One Piece, hay còn được độc giả Việt Nam gọi với cái tên Vua Hải Tặc, là bộ manga được sáng tác bởi “thánh” Eiichiro Oda và đăng định kì trên tạp chí Weekly Shounen Jump. Ra mắt lần đầu tiên trên ấn bản số 34 ngày 4 tháng 8 năm 1997, kể từ đó, One Piece đã thu hút hàng triệu người cuốn theo chuyến phiêu lưu của cậu bé mang trong mình ước mơ trở thành vua hải tặc: Monkey D. Luffy.
Thành công của One Piece thì “khỏi phải nói”, đây là bộ manga có doanh số bán ra cao nhất trong toàn lịch sử của Tạp chí Weekly Shounen Jump ở Nhật và là bộ truyện tranh có doanh số tăng liên tục suốt 11 năm, điều làm bất cứ tác giả nào cũng phải “thèm muốn”. Không chỉ thành công tại quê hương Nhật Bản, One Piece còn vươn tầm thế giới, phá vỡ nhiều kỷ lục về lượng manga tiêu thụ tại khắp các quốc gia, trở thành bộ manga không thể thiếu trong tủ sách của hàng triệu độc giả. Vậy điều gì đã dẫn đến những thành công của One Piece?
Nội dung “cuốn” người đọc
Đối với một bộ truyện manga kéo dài hàng trăm chap, việc khiến người đọc luôn hứng thú với từng chi tiết, từng câu chuyện mới là rất khó. Nếu các bạn theo dõi, hay kể cả là fan của những bộ truyện manga như Conan hay Naruto, thì chắc chắn đều sẽ phải “nản” vì những tình tiết “câu giờ” cho đến nhiều câu chuyện lặp đi lặp lại và không có gì mới mẻ.
Đến nay, One Piece vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thế nhưng “thánh” Oda đã biết cách làm mới từng câu chuyện, gây bất ngờ cho độc giả bởi nhiều tính tiết, nhân vật thú vị và không thể ngờ tới. Ngoài ra, nhiều chi tiết xâu chuỗi nhau từ tập này đến tập khác, tạo nên các cuộc tranh luận trong chính cộng đồng giúp bộ truyện One Piece luôn giữ được sức hút vốn có của nó.
Những đoạn truyện “lấy nước mắt”
Chắc chắn đối với nhiều người, One Piece là bộ truyện manga đầu tiên “lấy nước mắt” của họ. Với tôi cũng như vậy, One Piece đã không chỉ đơn thuần là câu chuyện về chuyến phiêu lưu của băng hải tặc Mũ Rơm, mà còn là những bài học về tình bạn, tình yêu và gia đình.
Sẽ chẳng thế nào quên được giây phút chia tay tàu Merry, cảnh tượng Ace gục xuống ôm lấy Luffy hay Zoro sẵn sàng lấy thân mình để bảo vệ cho đồng đội, tất cả điều đó đã khiến One Piece trở nên đặc biệt nhất trong những điều đặc biệt. Thu hút người đọc không chỉ bởi các chi tiết hài hước, tác giả Oda đã rất biết cách “lấy nước mắt” người đọc, tạo điểm nhấn từ chính những diễn biến cảm động trong câu chuyện về băng hải tặc Mũ Rơm.
Không nhân vật nào giống nhân vật nào
Các bạn có thấy nét vẽ của Sai và Sasuke trong Naruto là tương đồng, Kid và Shinichi Kudo chả khác gì anh em sinh đôi hay Gohan và Yamcha trông giống nhau đến kì lạ, các bộ truyện manga gần như đều có sự lặp lại về tạo hình nhân vật. Tuy nhiên, điều đó gần như không xảy ra trong One Piece dù cả trăm nhân vật khác nhau đã xuất hiện.
Tài nghệ và trí tưởng tượng của “thánh” Oda có lẽ không cần phải nói quá nhiều, mỗi nhân vật trong One Piece đều mang một nét rất riêng. 9 thành viên hiện tại của băng Mũ Rơm cũng vậy, từng người đều có “đặc điểm nhận dạng” riêng, Sanji với chiếc lông mày quăn, Luffy cùng nụ cười và chiếc mũ rơm quen thuộc hay Zoro tuy lạc đường hơi nhiều nhưng bù lại anh trông cực “ngầu” cùng những thanh kiếm của mình.
Độc giả trưởng thành cùng bộ truyện
Phát hành đều đặn từ năm 1997, điều đó có thể giải thích tại sao lượng độc giả của One Piece trải dài từ những người trẻ cho đến nhiều người trưởng thành. Thậm chí, các độc giả lớn tuổi còn dành tình cảm trân trọng đặc biệt hơn so với lớp độc giả trẻ, bởi họ đã cùng lớn lên, cùng ăn, cùng ngủ với từng tập truyện One Piece. Chính vì vậy, chắc chắn rằng, One Piece sẽ còn giữ được sức hút mãnh liệt từ quá khứ, hiện tại cho đến cả tương lai về sau.
Theo Trí Thức Trẻ