Theo hãng thông tấn Nga Tass, tuyên bố trên được phát ngôn viên Maria Zakharova đưa ra hôm 24/6, sau khi kết thúc hội nghị đầu tiên của các quốc gia tham gia TPNW. Bà Zakharova cho hay, bước tiến đáng chú ý của hiệp ước này đang khơi sâu thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia, cũng như làm xói mòn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
“Liên quan tới mong muốn thiết lập nền tảng lâu dài cho những nỗ lực phổ biến TPNW, như đã được ghi nhận trong những văn kiện cuối cùng của hội nghị này, chúng tôi nhấn mạnh: Nga không có ý định tham gia thỏa thuận này và tin rằng hiệp ước không thiết lập bất cứ tiêu chuẩn phổ biến nào, ngay cả vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai".
Theo phát ngôn viên Zakharova, Moscow tiếp tục duy trì lập trường rằng sự phát triển của TPNW còn ở bước sơ khai, vẫn còn thiếu sót và trên thực tế là phản tác dụng. Thỏa thuận này không tạo ra bất kỳ kết quả nào có thể làm giảm nguy cơ hạt nhân đang tăng lên và không đưa nhân loại tiến thêm một bước gần hơn đến các mục tiêu được nêu ra trong TPNW.
Cách tiếp cận được đặt ra trong thỏa thuận chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng mâu thuẫn giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, bà nói thêm.
“Hiệp ước không tính đến tình hình quân sự-chính trị và quân sự-chiến lược, đi ngược lại nguyên tắc rằng việc giải trừ hạt nhân phải được thực hiện theo cách sẽ dẫn đến việc ‘gia tăng mức độ an ninh cho tất cả các bên. Chúng tôi không nhận thấy những cách khả thi nào hoặc bất kỳ phương án thực chất nào nhằm trực tiếp cắt giảm vũ khí hạt nhân”, bà lập luận.
“Nga, giống như các nước sở hữu tiềm lực hạt nhân quân sự, không tham dự hội nghị các nước tham gia TPNW và không có ý định làm thế trong tương lai. Chúng tôi cũng không có dự định xây dựng chương trình làm việc chung với những cấu trúc phụ trợ, được tạo ra như một phần của quá trình tương tác giữa các bên tham gia TPNW để thực thi thỏa thuận”.
TPNW được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào ngày 7/7/2017, với sự ủng hộ của 122 quốc gia thành viên, nhằm loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân theo cách có sự ràng buộc pháp lý. Cụ thể, TPNW bao gồm một loạt lệnh cấm như cấm các nước thành viên phát triển, thử nghiệm, sản xuất, mua lại, sở hữu, dự trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước, có hiệu lực từ tháng 1/2021, cũng nghiêm cấm việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ quốc gia khác và cung cấp hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào tiến hành các hoạt động bị cấm.
Dương Lâm