Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/3 đã hạ lệnh triển khai "hành động quân sự quyết đoán và mạnh mẽ" chống lại nhóm vũ trang Houthi ở Yemen. Ông yêu cầu Houthi dừng các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền và chiến hạm ở Biển Đỏ nếu không muốn “địa ngục” sẽ giáng xuống nhóm này theo cách thức chưa từng thấy. 

Chia sẻ với hãng tin Sputnik, Isa Blumi, Phó giáo sư nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Stockholm, Thụy Điển nhận định quyết định trên của ông Trump xoay quanh mong muốn của Washington là "bảo vệ và giúp Israel mở rộng sự thống trị trong khu vực rộng lớn hơn". 

my houthi.jpg
Ảnh: CENTCOM/X

Cũng theo ông Blumi, các cuộc không kích của Mỹ ít liên quan đến Houthi hơn là tìm cách đảm bảo sự sống còn của Nhà nước Israel cũng như các dự án của Tel Aviv và Washington nhằm đưa người Palestine ra khỏi Dải Gaza để biến khu vực này thành khu nghỉ dưỡng kiểu Las Vegas, cũng như khai thác các nguồn tài nguyên khí đốt ngoài khơi.

“Những mong muốn trên không thể thực hiện được nếu Houthi có thể làm suy yếu nền kinh tế của Israel”, ông Blumi nhấn mạnh tới tác động to lớn khi Houthi phong tỏa một phần Biển Đỏ để thể hiện sự ủng hộ đối với người dân ở Dải Gaza, từ đó làm ảnh hưởng tới doanh thu nhờ vận chuyển đường biển của Israel và khiến cảng Eilat bị phá sản. 

Theo ông Blumi, đây là lý do dẫn tới việc ông Trump bất ngờ hạ lệnh cho quân đội Mỹ triển khai không kích nhóm Houthi ở Yemen, chứ không phải như tuyên bố của Tổng thống Mỹ là để bảo vệ "quyền tự do hàng hải" trong khu vực. 

Ông Blumi cũng bày tỏ lo ngại sự kiện ở Yemen sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng khu vực kéo dài cũng như sức mạnh tên lửa của Houthi có thể nhắm tấn công các nước trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ Mỹ, Anh và Israel. Ông cho rằng, điều này về cơ bản sẽ làm thay đổi động lực của Trung Đông và sự thịnh vượng kinh tế dựa trên tài nguyên của khu vực này.

Hôm 15/3, các chiến đấu cơ Mỹ đã tấn công thủ đô Sanaa cũng như các khu vực Saada, Dhamar, Al-Bayda, Radaa, Hajjah và Marib của Yemen. Phát ngôn viên Bộ Y tế Yemen Anis Al-Asbahi thống kê, 31 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương vì đòn không kích của Mỹ. 

Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo "các cuộc tấn công chính xác" đã được thực hiện "để bảo vệ lợi ích của Mỹ, ngăn chặn kẻ thù và khôi phục quyền tự do hàng hải".

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã đề cập tới chiến dịch không kích vào Yemen. Ông Lavrov đã kêu gọi "ngay lập tức" dừng sử dụng vũ lực và nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại "để tìm ra giải pháp ngăn chặn đổ máu".

Truyền thông Yemen đưa tin, các cuộc không kích của Mỹ có sự tham gia của tiêm kích F/A-18 cất cánh từ tàu sân bay USS Truman ở Biển Đỏ và được các máy bay P8 Poseidon, RC-135V và MQ-4C Triton cùng máy bay không người lái (UAV) xuất phát từ các căn cứ của Mỹ ở vùng Vịnh hỗ trợ. ​​Một máy bay KC2 Voyager của Anh cất cánh từ Síp cũng tham gia không kích. 

Hôm 16/3, phát ngôn viên của Houthi là Yahya Saree cho biết, nhóm này đã tấn công tàu sân bay USS Harry Truman và các tàu hộ tống của Mỹ ở phía bắc Biển Đỏ bằng 18 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cùng một UAV.

Ông Saree cảnh báo, Houthi "sẽ không ngần ngại nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ và Biển Ảrập để trả đũa". Ngoài ra, Houthi cũng tái đưa các tàu thương mại và tàu chiến của Mỹ và Anh vào danh sách mục tiêu tấn công.

Trước đó, ông Trump đã đưa Houthi trở lại danh sách "các tổ chức khủng bố" của Mỹ. Các nguồn tin chia sẻ với Axios rằng, căng thẳng giữa Mỹ và Houthi càng gia tăng sau khi nhóm bắn hạ thêm một UAV Reaper khác của Washington vào ngày 4/3. 

Cuộc không kích hôm 15/3 của Mỹ diễn ra vài ngày sau khi Houthi tuyên bố sẽ tiếp tục nhắm vào các tàu của Israel ở Biển Đỏ và Biển Ảrập, với lý do Tel Aviv từ chối cho phép hoạt động viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.