Theo Insider, vào thời Thế chiến I, khinh khí cầu do thám là một phương tiện vô cùng phổ biến, và chúng cũng làm mục tiêu hàng đầu của các phi công Mỹ. Tại thời điểm đó, vũ khí chính được dùng để bắn rơi các khí cầu là súng máy gắn trên chiến cơ.
Tuy vậy, trong những vụ việc gần đây, các phi công của Mỹ đều không dùng tới hệ thống pháo tự động trên tiêm kích F-22 và F-16. Thay vào đó, họ lựa chọn một phương án đắt đỏ hơn rất nhiều, là tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder có giá hơn 400.000 USD/quả.
Theo Tướng Glen VanHerck - người đứng đầu Bộ Tư lệnh phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), việc sử dụng tên lửa Sidewinder nhằm đảm bảo an toàn cho phi công và cũng là cách thành công nhất.
"Nếu dùng pháo tự động 20mm trên F-22 và F-16, phi công sẽ phải di chuyển tới sát vật thể bay, điều này dẫn tới khả năng tiêm kích bị ảnh hưởng bởi các mảnh vỡ. AIM-120 cũng không phải là một sự lựa chọn tốt, nó phù hợp để chống lại máy bay chiến đấu hơn là vật thể bay kích cỡ nhỏ", ông nói.
Chỉ huy của NORAD cho biết, sau khi xem xét tất cả các lựa chọn, tên lửa AIM-9X Sidewinder là phương án tối ưu. Sidewinder là tên lửa dò tìm mục tiêu chủ động bằng quang học, thích hợp để bắn hạ các mục tiêu có độ tương phản với môi trường cao.
"Độ hiệu quả của AIM-9X Sidewinder đã được chứng minh. Như trường hợp ở hồ Huron, rất khó để một tên lửa khóa mục tiêu bằng radar như AIM-120 có thể bắn trúng vật thể nhỏ như vậy", ông nói thêm.
AIM-9X Sidewinder là tên lửa tầm nhiệt siêu thanh tầm ngắn, dài 3m và nặng 84kg. Các bộ phận chính gồm hệ thống dẫn đường hồng ngoại, dò tìm mục tiêu chủ động bằng quang học, đầu đạn sức công phá lớn và động cơ tên lửa. Dù được triển khai từ năm 2003, nhưng việc sử dụng Sidewinder để chống lại các vật thể bay không xác định vẫn còn khá mới mẻ.
Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch mua 255 tên lửa AIM-9X trong năm tài khóa 2023. Chi phí của thương vụ này rơi vào khoảng 111,9 triệu USD, tương đương với 439.000 USD cho mỗi quả tên lửa.