Theo hãng tin RT, giới chức tại sân bay Warsaw của Ba Lan đã từ chối để đoàn nhân viên an ninh và nhóm báo chí của Nam Phi xuống máy bay. Sau đó, Hungary từ chối cho phép chiếc máy bay này bay vào không phận quốc gia.
Hôm 17/6, một phóng viên trong đoàn Nam Phi cho biết quyết định của Hungary không gây ảnh hưởng đến chuyến đi của Tổng thống Ramaphosa tới thành phố St. Petersburg. Nhà lãnh đạo Nam Phi đã tới được Nga với đoàn tháp tùng có quy mô nhỏ hơn.
Chia sẻ trên Twitter, phóng viên Nam Phi Queenin Masuabi cho hay, “Chính phủ Nam Phi không được đảm bảo quyền tiếp cận không phận Hungary. Các thành viên của Cơ quan Bảo vệ Tổng thống, cùng các nhà báo sẽ không đến Nga".
Hôm 15/6, Cơ quan An ninh Biên giới Ba Lan đã từ chối cho phép các thành viên trong đội an ninh của Tổng thống Ramaphosa bao gồm hơn 100 nhân viên, và 20 phóng viên xuống máy bay tại Sân bay Chopin ở Warsaw.
Một nhà báo bị mắc kẹt trên máy bay tiết lộ giới chức Ba Lan yêu cầu các thành viên của Cơ quan Bảo vệ Tổng thống Nam Phi (PPS) giao nộp vũ khí, với lý do họ không có giấy phép phù hợp để mang vũ khí vào lãnh thổ Ba Lan.
Một thành viên của đội an ninh còn bị cảnh sát Ba Lan lục soát đồ dù có hộ chiếu ngoại giao.
Phóng viên Nam Phi mô tả đây là "sự chào đón thù địch", và chưa từng xảy ra trước đây trong tất cả những lần công du của PPS.
Nguồn tin khác cho hay, giới chức Ba Lan cho phép phái đoàn Nam Phi xuống máy bay vào ngày 16/6 sau hơn 24 giờ chờ đợi.
Người đứng đầu phụ trách an ninh của Tổng thống Ramaphosa, Thiếu tướng Wally Rhoode cáo buộc Warsaw cố phá hoại những nỗ lực của Pretoria nhằm đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine.
Trái lại, chính quyền Ba Lan khẳng định chính phái đoàn của Tổng thống Ramaphosa đã tự quyết định không xuống máy bay. Bộ Ngoại giao Ba Lan nói rằng, chuyến bay bị trì hoãn sau khi phát hiện "các vật liệu nguy hiểm", và "những cá nhân không được khai báo" có mặt trên máy bay.
Cuối cùng, Tổng thống Ramaphosa đã phải tới Ukraine mà không có các nhân viên an ninh tháp tùng vào ngày 16/6. Nhà lãnh đạo Nam Phi cùng với các quan chức cấp cao từ Senegal, Ai Cập, Zambia và Comoros đã gặp Tổng thống Zelensky tại thủ đô Kiev.
Còn vào ngày 17/6, phái đoàn hòa bình châu Phi đã tới St. Petersburg để nhóm họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.