Loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc - thách thức với mô hình giáo dục truyền thống
Một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra sau quyết định loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc của ĐH Giao thông Tây An (Trung Quốc). Trong đó, có nhiều người đề cập đến tính phù hợp của hệ thống giáo dục ở Trung Quốc đối với người học hiện nay.
Một trong những nguyên nhân trường ĐH loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc do thời gian qua, kết quả CET (kỳ thi tiếng Anh do toàn quốc do Vụ Giáo dục CĐ, ĐH thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc tổ chức) gây nhiều tranh cãi và bị coi là sản phẩm của nền giáo dục lấy thi cử làm trọng tâm.
Điểm bài kiểm tra tiếng Anh cấp 4 (CET-4) và cấp 6 (CET-6) trở thành 'thước đo' duy nhất để đánh giá trình độ của người học. Trên thực tế, chuyên gia cho rằng điều này không phản ánh năng lực thật của một bộ phận. Phương pháp đánh giá thuần túy dẫn đến việc người học chỉ chú trọng điểm số, bỏ qua khả năng sử dụng tiếng Anh.
Điều này đi ngược lại so với tiêu chí coi giáo dục toàn diện là hướng phát triển trọng tâm. Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo bùng nổ, người học cần xem xét đến việc, liệu còn đủ khả năng và tính sáng tạo để cạnh tranh hay không, nếu giữ lại hệ thống giáo dục chỉ chú trọng thi cử.
Từ những lý do trên, chuyên gia cho rằng quyết định của Đại học Giao thông Tây An được xem là bước 'mở đường' cho việc cải cách hệ thống giáo dục tiếng Anh ở Trung Quốc. Đồng thời, nhà trường cũng hy vọng sinh viên sẽ trau dồi năng lực toàn diện tốt hơn, hướng đến tư duy đổi mới, sáng tạo và ứng dụng thực tế, thay vì chỉ học để phục vụ thi.
Nhà trường cũng mong muốn sinh viên có thể tạo ra những đột phá trong tư duy độc lập, giải quyết vấn đề và ứng dụng toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nghề nghiệp tương lai.
Việc loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc là thách thức đối với mô hình giáo dục truyền thống (chỉ chú trọng thi cử). Bởi nó yêu cầu cao hơn về tính sáng tạo và chất lượng toàn diện của sinh viên.
Có nên loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc không?
Một số người cho rằng CET đang bị phóng đại quá mức. "Kỳ thi tiếng Anh ở Trung Quốc (CET) trở thành tiêu chí quan trọng để xét tốt nghiệp ĐH và là ‘thước đo' đánh giá trình độ người lao động của các nhà tuyển dụng. Điều này đi ngược lại mục đích ban đầu tổ chức kỳ thi".
Do đó, những năm qua, một số trường ĐH thay thế kỳ thi tiếng Anh hoặc loại bỏ yêu cầu về bằng cấp của ngôn ngữ này như một tiêu chí để tốt nghiệp. Thậm chí, năm 2021, chính quyền TP Thượng Hải đã cấm các trường tiểu học tổ chức kỳ thi cuối kỳ bằng tiếng Anh nhằm giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh.
Trả lời câu hỏi: "Có nên loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc không?", chuyên gia cho rằng, các trường ĐH cần xem xét đến đặc thù và tính chất từng ngành học.
Ông Lư Hiểu Đông - giáo sư ĐH Bắc Kinh, cho rằng: "Một số trường ĐH có thể không dùng kết quả kỳ thi tiếng Anh (CET) là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên. Tuy nhiên, việc cải cách hệ thống giáo dục tiếng Anh để phù hợp với thực tại là điều nên làm. Quyết định của ĐH Giao thông Tây An được dựa trên năng lực thực tế của sinh viên.
Để quyết định có loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc hay không, mỗi trường ĐH cần phải đánh giá chính xác các yếu tố sau: Mặt bằng chung về trình độ và động lực học tiếng Anh của sinh viên; Phần trăm tỷ lệ giáo trình và tài liệu môn học bằng tiếng Anh đối với từng chuyên ngành”.
Với sự phát triển của thời đại ngày nay, nhìn chung trình độ tiếng Anh của sinh viên các trường ĐH đã cải thiện, ông Trần Chí Văn - Tổng biên tập Báo Giáo dục Trung Quốc trực tuyến, cho hay.
"Sinh viên các trường ĐH top đầu ở Trung Quốc, phần lớn trình độ tiếng Anh ở mức ổn định, thậm chí là xuất sắc. Do đó, các trường này đã quyết định loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tôn trọng các trường ĐH không đồng tình với quan điểm này", ông nói thêm.
Ngoài ra, ông Trần Chí Văn cũng nhấn mạnh: "Trước đó, việc quyết định chọn tiếng Anh là môn bắt buộc của các trường không sai. Hiện tại, một số trường đại học thông báo tiếng Anh không phải là môn bắt buộc cũng chưa chắc đúng".
Lý giải điều này, ông cho rằng mỗi thời điểm và giai đoạn, trình độ tiếng Anh của người học sẽ khác nhau. "Do đó, việc cân nhắc tiếng Anh có phải là môn bắt buộc không của mỗi trường sẽ khác nhau. Sự lựa chọn của các trường phụ thuộc vào trình độ của sinh viên", ông Trần Chí Văn chia sẻ.
Loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc nhưng nhiều yêu cầu cao hơn
Khi loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc đồng nghĩa các trường ĐH có nhiều yêu cầu cao hơn. Họ chú trọng đến việc trau dồi khả năng ứng dụng tiếng Anh vào thực tế của sinh viên. Đồng thời, thúc đẩy sinh viên không ngừng nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và hiểu biết văn hóa thông qua thực hành.
Theo cải cách này, các trường ĐH sẽ tăng cường giảng dạy bằng đánh giá tiếng Anh nói, phát triển khả năng đọc và các khía cạnh khác. Cụ thể là yêu cầu sinh viên phải viết, trình bày bài tập, đề tài và đồ án tốt nghiệp bằng tiếng Anh.
Trên đây là các nhân tố quan trọng để cải cách hệ thống giáo dục tiếng Anh áp dụng được vào thực tế, không chú trọng điểm số. Việc chuyển đổi này, giúp sinh viên giảm bớt gánh nặng thi cử và đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Việc một trường ĐH top đầu ở Trung Quốc loại tiếng Anh khỏi môn bắt buộc mở ra cuộc cải cách trong lĩnh vực giáo dục: Tiến bộ theo thời đại; Thích ứng với nhu cầu phát triển của xã hội; Chuyển từ giáo dục định hướng thi cử sang giáo dục phát triển toàn diện đối với người học.
Theo NetEase