Trung bình mỗi năm người Mỹ chi gần 13.000 USD cho dịch vụ y tế, gấp đôi các nước phát triển khác.
Nền y tế Mỹ nổi tiếng với chất lượng cao và công nghệ hàng đầu nhưng kèm theo là viện phí đắt đỏ bậc nhất thế giới. Theo thống kê, 41% dân số Mỹ đang có một khoản nợ y tế. Hàng triệu người trì hoãn đi khám chữa bệnh vì không kham nổi chi phí. Bảo hiểm y tế là con đường duy nhất giúp giảm gánh nặng nhưng đôi khi cũng không trả hết mọi khoản.
VietNamNet đăng tải loạt bài viết "Chi phí y tế đắt không tưởng ở Mỹ" chia sẻ góc nhìn về vấn đề viện phí ở Mỹ so sánh với một số nước phát triển khác trên thế giới cùng những hoàn cảnh éo le của người bệnh tại đây.
Thống kê cho thấy hơn 90% dân số Mỹ có bảo hiểm y tế, đa phần từ các công tư tư nhân. Trong khi đó, ở các nước phát triển khác, tỷ lệ này có thể lên tới 99%.
Hầu hết chi phí y tế của Mỹ đều do thị trường định hướng với xu hướng tăng. Theo Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid, năm 2022, chi tiêu chăm sóc sức khỏe của Mỹ tăng 4,1% lên 4,5 nghìn tỷ USD, chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội. Tính trung bình, mỗi người dân Mỹ chi gần 13.000 USD/năm cho y tế.
Dưới đây là một số lý do khiến chi phí y tế ở Mỹ cao bậc nhất thế giới:
Hệ thống y tế phức tạp
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ có nhiều quy tắc, nguồn tài trợ, chi phí tự trả liên quan đến các hình thức bảo hiểm y tế khác nhau do người sử dụng lao động thanh toán, bảo hiểm tư nhân hay do chính phủ cung cấp như Medicaid và Medicare.
Người dân phải lựa chọn các cấp độ bảo hiểm, có hoặc không bao gồm bảo hiểm dược phẩm, khoản khấu trừ, đồng thanh toán hoặc đồng bảo hiểm. Các nhà cung cấp cũng phải xem xét vô số quy định về cách sử dụng, chi trả.
Chi phí quản lý hệ thống thường được coi là nguyên nhân dẫn đến chi tiêu y tế quá mức, vào khoảng 1.000 USD/năm trên mỗi người dân ở Mỹ (số liệu năm 2021).
Giá thuốc tăng cao
Theo Investopedia, người Mỹ chi gần gấp đôi cho dược phẩm so với người dân ở các nước công nghiệp phát triển khác. Giá thuốc cao là nguyên nhân bội chi lớn nhất ở Mỹ.
Ở châu Âu, giá thuốc do chính phủ quy định và thường dựa trên tác dụng lâm sàng của thuốc.
Trong khi đó, ở Mỹ, các công ty bảo hiểm tư nhân có thể thương lượng giá thuốc với các nhà sản xuất. Tuy nhiên, Medicare (chương trình bảo hiểm liên bang dành cho người trên 65 tuổi), cơ quan thanh toán một tỷ lệ lớn chi phí thuốc, không được phép thương lượng giá cả với các nhà sản xuất.
Trung bình mỗi bệnh nhân Mỹ tốn 963 USD cho thuốc theo đơn, so với mức 466 USD của các quốc gia phát triển khác. Tổng chi cho thuốc theo đơn ở Mỹ đạt 378 tỷ USD vào năm 2021, tăng 7,8% so với năm trước.
Nhân viên y tế có mức lương cao
Mức lương trung bình hằng năm của một bác sĩ khoa cấp cứu ở Mỹ là 310.000 USD. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình ở các nước phát triển khác như Bỉ, Phần Lan, Hà Lan (từ 160.000 tới 200.000 USD).
Các y tá Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn hầu hết đồng nghiệp ở các quốc gia phát triển khác. Mức lương trung bình của một y tá Mỹ khoảng 77.600 USD, trong khi con số tương tự ở Australia, Israel, Ireland khoảng 50.000 USD.
Mức phí các dịch vụ cao
Theo báo cáo do Viện Chi phí Chăm sóc Sức khỏe công bố năm 2022, giá dịch vụ nội trú ở Mỹ đạt mức cao so với các quốc gia khác. Ví dụ:
- Thay khớp háng ở Mỹ đắt nhất thế giới, tốn 28.000 USD trong khi nơi đắt thứ 2 là New Zealand cần 16.600 USD.
- Mổ đẻ ở Mỹ tốn hơn 11.000 USD còn ở Thụy Sĩ - nước đắt thứ hai gần 8.000 USD.
- Chụp CT và MRI ở Mỹ lần lượt hết 553 và 580 USD trong khi ở Tây Ban Nha là 78 và 120 USD.
“Mình không thể nào tưởng tượng nổi nằm 5 tiếng đồng hồ trong bệnh viện, chưa chữa trị gì hết mà tốn 10.000 USD (khoảng 245 triệu đồng) các bạn ạ”, TikToker Alex Nguyễn chia sẻ về viện phí ở Mỹ trong một lần đi khám.