Gần 100 bức tranh bị lãng quên 25 năm
Năm 2018, hai nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt trong quá trình nghiên cứu mỹ thuật Đông Dương vô tình phát hiện bài viết của một cô gái người Mỹ về triển lãm có tên Kho báu bị bỏ quên của họa sĩ Trần Phúc Duyên ở Thụy Sĩ.
Họ liền sang châu Âu, lần theo các manh mối để tìm đến đơn vị tổ chức triển lãm. Tại đây họ được biết khi họa sĩ Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993 tại Bern, do không có con cái nên toàn bộ tác phẩm, tài liệu, di vật của ông được đóng thùng rồi lưu tại kho của một tòa lâu đài ở ngoại ô.
Cứ thế hơn 100 tác phẩm, hiện vật này bị lãng quên, đến năm 2013, chủ sở hữu mới tiếp quản tòa lâu đài đã phát hiện di sản này và tiến hành tìm người thừa kế của họa sĩ Trần Phúc Duyên. Họ liên lạc cháu ruột họa sĩ Trần Phúc Duyên - bà Trần Tường Vân, ủy quyền cho một phòng tranh nhỏ tổ chức triển lãm, bán các tác phẩm này để chia tài sản.
Đến khi hai nhà sưu tập tiếp cận, vài tác phẩm đã bị bán, số còn lại được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo. Ngoài phần lớn bức tranh khá nguyên vẹn, một số bức đã hỏng, mất khung, trầy xước và co giãn, thay đổi bề mặt.
"Nhìn các tác phẩm bị đặt trên nền đất, có những bức gồm 2 tấm đã bị tách đôi để bán lẻ, chúng tôi rất buồn, quyết định sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm để mua lại di sản đồ sộ này", anh Đạt kể.
Hai nhà sưu tập đã tìm gặp bà Vân ở Paris, Pháp để trình bày nguyện vọng mua lại toàn bộ tác phẩm của họa sĩ với mục tiêu gìn giữ di sản đồng thời đưa nghệ thuật của Trần Phúc Duyên trở về, giới thiệu tại quê hương.
Sau đó, Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt tìm các chuyên gia, chia gần 100 bức tranh thành nhóm tác phẩm còn nguyên vẹn, cần can thiệp nhẹ và can thiệp sâu.
Do tranh Trần Phúc Duyên sử dụng kết hợp chất liệu của phương Đông và phương Tây, quá trình tu sửa, phục chế gặp khó khăn, phải đặt mua nguyên vật liệu từ nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, việc phục chế được yêu cầu thể hiện đúng tinh thần cố họa sĩ.
Hiện tại, các tác phẩm được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ (25 độ C) và độ ẩm ổn định (60%), tránh ánh sáng mặt trời. Một số tác phẩm được lồng khung kính hoặc mica chống tia UV, mặt sau được phủ giấy chống axit.
Triển lãm 'khủng' sau 30 năm
Triển lãm Họa duyên tương ngộ: Trần Phúc Duyên diễn ra từ 22/7 - 6/8 tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San, TP.HCM đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923-2023).
Gần 150 tác phẩm tranh, 300 bức phác thảo, tài liệu và di vật được đóng góp bởi 2 nhà sưu tập Lê Quang Vinh và Phạm Quốc Đạt, một số nhà sưu tập khác, gia đình ông và Bảo tàng.
Không gian triển lãm 2 tầng, tổng diện tích khoảng 600m2 chia thành những cụm chủ đề lớn gồm Đời sống; Phong cảnh; Tĩnh vật và Tiểu cảnh; Thủy mặc và Thiền họa; Trừu tượng; và Phúc niệm.
Bà Trần Tường Vân - cháu ruột, xem họa sĩ Trần Phúc Duyên như cha - sẽ về Việt Nam tham dự sự kiện khai mạc hôm 22/7 tới. Kể từ khi nhận tro cốt của chú từ Thụy Sĩ mang về an táng tại Pháp năm 2013, bà đau lòng, gần như không muốn nhắc lại cho đến khi 2 nhà sưu tập tìm gặp. Bà nhận lời viết sách tư liệu về ông, mất 1 năm mới dám đọc lại những thư từ, giấy tờ.
"Tôi rất vui khi được trở lại Việt Nam trong sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú tôi – họa sĩ Trần Phúc Duyên. Có lẽ, đây cũng là cách ông trở về sau cả đời sống tại châu Âu", bà cho hay.
Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp giàu có. Năm 1941, ông vào học lớp dự bị của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do họa sĩ Nam Sơn và Tô Ngọc Vân giảng dạy, năm sau thi đỗ khoa Sơn mài khóa XVI.
Sau khi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa năm 1945, Trần Phúc Duyên mở xưởng vẽ, sống và sáng tác tại Hà Nội. Năm 1950, 3 tác phẩm sơn mài của ông - trong đó có bức bình phong 6 tấm vẽ phong cảnh Sài Sơn, chùa Thầy được chọn gửi sang Vatican làm quà mừng Giáo hoàng Pius, hiện vẫn lưu giữ tại Bảo tàng Vatican.
Năm 1952, Trần Phúc Duyên tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Sài Gòn với 30 tác phẩm sơn mài. Cuối năm 1954, ông cùng anh, em trai sang định cư Pháp. Họa sĩ từng thực hành tại xưởng của Jean Souverbie, Trường Mỹ thuật Paris và tổ chức triển lãm tại Nice năm 1961.
Trong 7 năm kế tiếp, Trần Phúc Duyên tổ chức 8 triển lãm cá nhân tại Tây Ban Nha, Pháp và Thụy Sĩ. Cuối năm 1968, ông chuyển sang sống và làm việc tại Thụy Sĩ đến lúc tạ thế, có thêm 13 triển lãm cá nhân tại đây, Pháp và Canada.
Ngoài khoảng 20 bức sơn mài vẽ phong cảnh châu Âu, phần còn lại từ phong cảnh, tĩnh vật đến con người đều hướng về Việt Nam.
Từ năm 1980, Trần Phúc Duyên ít sáng tác tranh khổ lớn với phong cách sơn mài truyền thống, chuyển sang những tác phẩm khổ nhỏ với bút pháp thủy mặc, thiền họa và hình trừu tượng. Những năm cuối đời, ông tu tập tại gia, các tác phẩm vì thế thấm đẫm chất thiền.
“Mọi thứ trong tranh Trần Phúc Duyên đều được xử lý để nhường chỗ cho sự im lặng, những giấc mơ và thiền. Người họa sĩ đã vượt ra ngoài ranh giới của sự thể hiện để miêu tả sự thống nhất sâu sắc của các sự vật.
Vì vậy, những bức tranh sơn mài cuối cùng của ông đã được hoàn thành một cách hoàn hảo. Phải rời xa quê hương, người họa sĩ dường như đã tìm thấy xứ sở của chính mình”, nhà phê bình Jean-Claude Piguet phát biểu tại triển lãm cá nhân của Trần Phúc Duyên năm 1983 tại Thụy Sĩ.