Giả, nhái từ quần áo đến thực phẩm
Trả tiền thật để mua hàng giả, không ít người dân ngán ngẩm khi gặp phải tình cảnh này. Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp.
Điển hình, ngày 27/6, Đội Quản lý thị trường số 20 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế ma túy (Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo Giáp Hằng (ở cụm 8, xã Tam Hiệp).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này đang bày bán 1.509 chiếc áo chống nắng Lascote có dấu hiệu giả mạo nhãn hiện đang được bảo hộ tại Việt Nam. Chủ cơ sở cho biết số hàng hóa được mua trôi nổi trên thị trường.
Ngoài số hàng trên, chủ cơ sở còn đặt mua và gửi hàng nghìn chiếc áo chống nắng nhãn hiệu Louis Vuitton và Adidas tại cửa hàng kinh doanh quần áo Huế Hưng (ở thôn 7, xã Tam Hiệp). Đội Quản lý thị trường số 20 tiếp tục kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo Huế Hưng ở địa chỉ trên.
Qua kiểm tra, thu giữ tại cửa hàng 1.494 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Louis Vuitton, 1.012 chiếc áo chống nắng mang nhãn hiệu Adidas không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam…
Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng giả ở Tổng kho An Hưng |
Trước đó, đầu tháng 6, Đội Phòng ngừa đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an thành phố Hà Nội) đã làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là hàng nghìn gói phụ gia thực phẩm Baking Soda của cơ sở kinh doanh “Tổng kho An Hưng” (ở liền kề 6-26, khu đô thị An Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông), do Bùi Thị Mến (sinh năm 1987, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông) làm chủ.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ hình sự đối với Bùi Thị Mến để điều tra, làm rõ hành vi buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự năm 2015…
Trên đây chỉ là hai vụ việc gần đây có tính điển hình được lực lượng chức năng phát hiện. Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ, các đối tượng vẫn tìm cách để tuồn hàng giả vào thị trường để qua mắt lực lượng chức năng, phục vụ người tiêu dùng “chưa thông thái”.
Theo cơ quan chức năng, điểm chung của những sản phẩm hàng giả, hàng nhái này đều được các đối tượng chủ mưu và chia nhau chào bán trên mạng xã hội cho những người có nhu cầu. Bên cạnh hình thức mua bán trực tiếp theo kiểu truyền thống, hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế số, hàng giả, hàng lậu được bán khá nhiều qua hình thức trực tuyến.
Nếu trước đây đa số là doanh nghiệp sử dụng thương mại điện tử (website) để bán hàng, thì hiện nay nhiều cá nhân, tổ chức lại sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… để bán hàng mọi lúc, mọi nơi. Cùng với đó, việc giao hàng, vận chuyển hàng hóa và giao dịch thông qua ngân hàng hoặc bên thứ ba, khiến việc quản lý lĩnh vực này của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Cần chế tài đủ mạnh
Theo ông Ngô Anh Hiếu - Đội trưởng Đội Quản lí thị trường số 20 (Cục Quản lí thị trường Hà Nội), cùng là kinh doanh trực tuyến nhưng nguồn gốc hàng hóa bán qua mạng xã hội đang có phần “mập mờ” hơn so với hàng bán trên sàn thương mại điện tử. Nguyên nhân là bởi, sàn thương mại điện tử buộc phải có công cụ chặn lọc hàng giả, hàng lậu, hàng nhái theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Trong khi đó, xã mạng hội chưa có cơ chế kiểm soát điều này; Lượng khách hàng tiếp cận lại rất đông đảo.
“Sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng thường được bán với giá rẻ hơn hàng chục lần so với hàng chính hãng. Vì lợi nhuận nên các đối tượng vẫn ngang nhiên sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Cùng với đó, chính tâm lý ham đồ rẻ nhưng vẫn muốn dùng “hàng hiệu” của người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, khiến hàng giả vẫn có “đất sống” và len lỏi vào thị trường”, ông Ngô Anh Hiếu cho biết.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng các địa phương của Hà Nội đã phát hiện, xử lý hàng chục kho hàng kinh doanh online vi phạm vì bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Tuy nhiên, số lượng vụ việc được xử lý dường như chỉ là “muối bỏ bể” trước những vi phạm trong thực tế.
Bên cạnh đó, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng buôn bán, vận chuyển thực phẩm nhập lậu thường hoạt động vào ban đêm, thường xuyên thay đổi tuyến đường vận chuyển, thời gian, địa điểm tập kết hàng hóa nên việc phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng liên ngành thường xuyên xử lý các vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng nhái với số lượng sản phẩm cực lớn |
Trung tá Lương Thị Kiển - Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Đông Anh), cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn đang tiếp diễn và ngày càng gia tăng theo chiều hướng tinh vi. Thậm chí, có thương hiệu uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng vừa ra mắt sản phẩm mới, ngay lập tức, mặt hàng đó đã bị làm giả, làm nhái.
Liên quan đến vấn đề này, ở góc độ pháp lý, luật sư Phạm Hải Long (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả đã xâm phạm đến quyền sở hữu độc quyền về thương hiệu sản phẩm của công ty đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Tuy nhiên hiện nay, chế tài xử lý vi phạm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn nhẹ, đặc biệt với hàng vi phạm có trị giá thấp hơn mức xử lý hình sự (200 triệu đồng), trong khi lợi nhuận thu được từ kinh doanh mặt hàng này lớn, một số đối tượng vẫn tái phạm nhiều lần. Do vậy, để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm bớt nạn hàng giả, cơ quan quản lý cần có các chế tài xử phạt đủ mạnh để có tính răn đe, ngăn chặn.
Hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh, hình ảnh cũng như uy tín các doanh nghiệp, thương hiệu làm ăn chân chính. Chính vì vậy, đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần sự chung tay của toàn xã hội.
Tại Công văn số 3986/VPCP-V.I ngày 28/6/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thương mại điện tử; Đồng thời, nắm chắc diễn biến tình hình, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử (quảng cáo, giới thiệu, chào bán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa); Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Theo Tuổi trẻ Thủ đô