Chị Loan trước kia làm việc trong lĩnh vực báo chí - truyền hình, nhưng từ khi phát hiện bệnh ung thư vú cuối năm 2012, chị nghỉ việc để dành thời gian chữa bệnh. Năm 2018, chị có chuyển sang lĩnh vực nhà hàng được một thời gian nhưng ông xã thấy chị đi làm xa, vất vả nên đã đề nghị vợ ở nhà. Đến năm 2019, chị phát hiện ung thư tuyến giáp. Hơn 2 năm nay, khi bệnh tình đã tạm ổn định, chị bán đồ gốm online.
Chị nói, từ khi bị bệnh, chị còn đi nhiều hơn trước, “vì không biết mình còn sống được bao lâu - 5, 10 năm hay là một vài tháng. Khi còn đi được thì cứ đi thôi!”.
Bây giờ, khi nhắc đến bệnh tật, chị đã có thể bình tĩnh nói về nó một cách nhẹ bẫng, chứ không còn bị “sốc” như thời gian đầu.
“Sau khi suy sụp, đau buồn, rồi mình cũng nghĩ rằng vui cũng phải sống, buồn cũng phải sống thì tại sao mình lại không sống vui?”.
Đó là suy nghĩ khi chị phát hiện ung thư vú, còn đến khi phát hiện ung thư tuyến giáp, chị thấy hơi “tức mình”. “Giả sử mình di căn sớm như người ta thì cũng chấp nhận. Nhưng đây mình đã chiến đấu với nó 7-8 năm rồi tự nhiên lại thêm một ung thư nữa. Thành ra lúc ấy mình bất mãn, giống như ‘sao cứ thử thách mình hoài, mệt’. Nhưng sau đó, mình lại vực dậy và thấy rất bình thản”.
Cả hai bệnh ung thư chị đều phát hiện khi đang ở giai đoạn 2. Sau khi phát hiện ung thư vú, chị dành cả năm 2013 để hoá trị, sau đó uống thuốc đến năm 2018 thì năm 2019 chị phát hiện ung thư tuyến giáp. Sau khi mổ và hoá trị xong tuyến giáp, chị uống thuốc cho đến giờ. Hiện tại, chị đang trong giai đoạn theo dõi xem ung thư vú có di căn hay không, cứ vài tháng lại phải đi khám một lần cho cả 2 bệnh.
Từ trước khi bị bệnh, chị đã thích đi. Chị bắt đầu đi nhiều và liên tục từ năm 2011. Tính đến nay chị đã leo 6-7 ngọn núi và đặt chân đến 54 tỉnh thành trên cả nước. Nếu từ TP.HCM di chuyển ra Hà Nội, chị sẽ đi máy bay, sau đó thuê xe máy đi phượt khắp Tây Bắc, Đông Bắc.
Chị yêu thích tất cả các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam, đặc biệt là Hà Giang, Mộc Châu (Sơn La), thác Bản Giốc (Cao Bằng). “Tôi thích khung cảnh hùng vĩ, trùng điệp của núi non và thường đi vào dịp cuối năm vì tôi yêu thời tiết se lạnh của miền Bắc”.
“Trong tất cả các chuyến đi, hầu hết tôi đi theo dạng du lịch trải nghiệm - ngắm cảnh, khám phá văn hoá địa phương, ăn các món ăn của địa phương, ngủ cùng dân bản địa. Tôi không thích du lịch nghỉ dưỡng, chỉ ăn và ngủ. Một phần vì mình cũng không có nhiều tiền để đi resort nghỉ dưỡng, một phần vì sợ chết nên sợ ngủ lắm, sợ ngủ là ngủ luôn” - chị hài hước chia sẻ.
Chị Loan cũng nói đùa về một “căn bệnh” rất lạ của mình - đó là đi thì khoẻ, mà ở nhà thì ốm. Chị tự tin khẳng định nhiều người khoẻ, kể cả đàn ông cũng đi “không lại” chị. “Đi với ông xã, ổng sắp gục mà mình vẫn thấy rất bình thường”.
Có nhiều lần đến ngày phải truyền hoá chất nhưng men gan lại cao quá, bác sĩ nói về nghỉ ngơi, 1 tuần sau kiểm tra lại. Chị về nhà lại xách xe đi, đến khi quay lại bệnh viện, men gan lại bình thường. “Cả mình và bác sĩ đều không lý giải nổi. Bác sĩ còn trêu là ‘bị bệnh đi chơi thôi, chứ không có bệnh gì hết’”.
Leo núi thì chị đi chưa nhiều - mới chinh phục 6-7 đỉnh núi và chuyến leo gần nhất là núi Bà Đen (Tây Ninh) năm 2019. Đi phượt thì gần như cứ 1-2 tuần chị lại có một chuyến đi gần, 1-2 tháng thì có một chuyến đi xa. Chuyến đi gần nhất của chị là hồi cuối tháng 4 đi Đà Lạt.
Nếu như hồi chưa kết hôn, chị chủ yếu đi một mình thì sau khi lấy chồng, anh hiếm khi để chị đi một mình. “Ban đầu, ông xã đi cùng là vì chiều chị. Vì ông xã không thích đi, và cũng nghĩ rằng đi du lịch là tốn nhiều tiền. Nhưng sau khi đi nhiều với vợ, anh thấy không hẳn phải giàu mới đi du lịch được. Từ đó, anh thích và ghiền luôn. Nhưng cũng vì phải đi làm kiếm tiền nên dạo gần đây, anh đi ít hơn chút”.
Kể về câu chuyện hôn nhân của mình với ông xã, chị cũng tiết lộ một điều rất bất ngờ. Đó là sau khi phát hiện bệnh 4 năm, chị và chồng mới đến với nhau. Chồng chị sinh năm 1985, kém chị 4 tuổi, là trai tân và là con trai duy nhất của gia đình. “Anh đã chinh chiến với họ hàng dữ lắm để cưới mình . Vì mình khi ấy bị bệnh, người toàn hoá chất. Anh quyết định sẽ không sinh con. Mình cũng chẳng biết sẽ sống được bao lâu để mà chăm sóc con cái. Lúc ấy mình lại… béo ú. Nhưng anh vẫn quyết tâm cưới mình.
Từ khi cưới chị về - lúc đó chị 37 tuổi, anh chưa từng phản đối việc chị đi chơi suốt ngày. Bởi vì anh biết, được đi thì chị sẽ khoẻ, còn chị ở nhà lại ốm thì anh cũng không an tâm.
Bây giờ, mong muốn lớn nhất của chị là “được đi hết Việt Nam trước khi chết”. Chị sẽ đi nốt các tỉnh mình chưa đặt chân tới, đi thêm các cửa khẩu, những khu chợ nổi miền Tây… “Từ năm 2005 tới 2016, năm nào mình cũng ra Hà Nội, nhưng ông xã thì chưa được đi Hà Nội bao giờ, nếu có dịp, mình sẽ rủ anh đi cùng”.
Nguyễn Thảo
Ảnh: NVCC