Sau chuyến du lịch Phan Thiết, anh Nguyễn Đức H. (sinh năm 1976, trú tại quận 2, TP.HCM) bị cơn gout cấp tính hành hạ. Anh H. chia sẻ, trước chuyến đi chơi, sức khỏe anh bình thường. Sau vài ngày tiệc tùng với bia rượu, hải sản, anh đau nhức các khớp ở ngón chân, đặc biệt về đêm dẫn đến mất ngủ. Các khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội, mức độ tăng dần, khẽ va chạm cũng đau.
Khi anh H. đi khám, bác sĩ cho biết siêu âm thấy tình trạng lắng đọng urat, chỉ số xét nghiệm axit uric máu tăng > 420 μmol/l. Bác sĩ chẩn đoán anh bị cơn gout cấp và cho thuốc điều trị.
Bác sĩ Trần Minh Thiệu - Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) thông tin, tỷ lệ nam giới trẻ bị gout vào khám ngày càng tăng, đặc biệt có nhiều trường hợp giống anh H. xuất hiện các triệu chứng dồn dập sau bữa tiệc linh đình, nghỉ mát.
Bác sĩ Thiệu chia sẻ, bệnh gout tàn phá khớp và cơ quan khác, xuất hiện rất sớm trong lịch sử loài người.
Bệnh gout là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm khớp ở nam giới và tỷ lệ mắc gia tăng nhanh chóng trong dân số nói chung. Bệnh có liên quan tới tình trạng dư thừa axit uric trong cơ thể. Hơn 80% bệnh nhân gout có tiền sử gia đình mắc bệnh hoặc tăng axít uric máu.
Căn bệnh có 4 giai đoạn bao gồm tăng axit uric máu không triệu chứng, bệnh gout cấp tính, liên tục và mạn tính. Độ tuổi thường gặp của bệnh là 30-60 tuổi.
Theo bác sĩ Thiệu, cơn gout cấp tính đầu tiên thường xuất hiện ở lứa tuổi 35 - 55, ít khi trước 25 hoặc sau 65 tuổi. Ở nữ ít xảy ra trước tuổi mãn kinh, ở nam mắc ở tuổi càng trẻ bệnh càng nặng.
Các triệu chứng xuất hiện đột ngột ban đêm, bệnh nhân thức dậy vì đau khớp, thường là khớp bàn - ngón chân cái (60 - 70%): khớp sưng to, đỏ, phù nề, căng bóng, nóng, đau dữ dội và ngày càng tăng, va chạm nhẹ cũng rất đau. Lúc đầu chỉ viêm một khớp sau đó có thể viêm nhiều khớp. Ngoài khớp ra, túi thanh dịch, gân, bao khớp cũng có thể bị thương tổn.
Thời điểm xuất hiện bệnh có thể xảy ra sau bữa ăn có nhiều thịt nhất là loại thịt có nhiều purin, rượu, sau xúc cảm mạnh, sau chấn thương kể cả vi chấn thương đi giày chật, sau nhiễm khuẩn, dùng các thuốc lợi tiểu.
Các dấu hiệu viêm có thể kéo dài nhiều ngày, thường từ 5-7 ngày rồi giảm dần.
Bác sĩ Thiệu khuyến cáo bệnh gout có thể kiểm soát nhưng phải tuân thủ chế độ ăn uống và phương pháp điều trị nghiêm ngặt. Người bệnh cần tránh các chất có nhiều purin như tạng động vật, thịt, cá, tôm, cua… Có thể ăn trứng, hoa quả. Ăn thịt không quá 150g/24 giờ, không uống rượu, cần giảm cân, tập luyện thể dục thường xuyên. Uống nhiều nước, khoảng 2-4lít/24 giờ, đặc biệt là các loại nước khoáng có kiềm hoặc nước kiềm 14‰. Điều này sẽ làm tăng lượng nước tiểu trong 24 giờ, giúp hạn chế tối đa sự lắng đọng urat trong đường tiết niệu.
Bệnh nhân gout tránh các thuốc làm tăng axit uric máu, các yếu tố làm khởi phát cơn gút cấp như stress, chấn thương.
Để dự phòng bệnh, yếu tố quan trọng nhất là chế độ sinh hoạt hợp lý, giảm ăn các chất giàu purin, chất béo. Mọi người cần điều trị tốt các bệnh lý gây bệnh gout thứ phát như suy thận, do thuốc, các bệnh lý chuyển hóa.