Wahyu Kenzo bị bắt vào ngày 8/3 sau khi nền tảng giao dịch bằng robot của anh bị sập. Người này thường xuyên khoe hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội. Ảnh: @wahyukenzo88. |
Ở đỉnh cao danh vọng, Wahyu Kenzo (36 tuổi) được mệnh danh là “Crazy Rich Surabyan” - cái tên bắt nguồn từ tài khoản Instagram ngập hình ảnh về loạt siêu xe sang trọng và những cái bắt tay với các chính trị gia, người nổi tiếng.
Tuy nhiên, Auto Trade Gold (ATG), nền tảng giao dịch bằng robot của Kenzo, đã sụp đổ. Việc quảng cáo nó như công cụ được AI hỗ trợ thu lợi nhuận ngoại hối nhanh hơn con người đã bị vạch trần là lừa dối sau khi vị giám đốc hào nhoáng bị bắt giữ vào ngày 8/3, theo SCMP.
Kenzo bị cáo buộc lừa đảo 25.000 người với tổng số 585 triệu USD. Tuy nhiên, số tiền thực tế có thể cao hơn nhiều. Nạn nhân là những người giàu có, bao gồm các nhà quản lý đầu tư, bị thu hút bởi lời hứa về lợi nhuận 200% mỗi năm. Các chuyên gia tài chính cho biết họ đã rơi vào cái bẫy có tất cả dấu hiệu của kế hoạch lừa đảo Ponzi cổ điển.
Trước khi sụp đổ, Kenzo cho biết ATG có hơn 300.000 thành viên. Cảnh sát nhận được khiếu nại từ các nạn nhân ở cộng đồng người Indonesia và công dân nước ngoài sống ở châu Âu, Nhật Bản, UAE, Mỹ. Họ cho biết bản thân đã mắc phải trò lừa đảo lỗi thời, nhờ trang cá nhân được làm màu hoàn hảo của Kenzo.
“Ai mà tưởng tượng nổi đó là cú lừa? Instagram của Kenzo có tích xanh và anh ta kết giao với các quan chức chính phủ cấp cao, người nổi tiếng”, Mahayani (42 tuổi), người Indonesia sống và làm việc tại Nhật Bản 13 năm qua, nói.
Cô đầu tư 82.000 USD vào năm 2021, 1/4 trong số đó là vay từ bên thứ 3.
“Tôi biết những người bị lừa gấp 10 lần hoặc nhiều hơn tôi”.
Tuy nhiên, Mahayani cho biết hầu hết nhà đầu tư cao cấp đã chọn giữ im lặng về việc vướng vào các vụ lừa đảo giao dịch bằng robot.
“Thật không hay chút nào nếu các đối tác kinh doanh biết bạn đã mất rất nhiều tiền. Họ có thể ngừng tin tưởng bạn”, cô giải thích.
Tài khoản Instagram của Kenzo vẫn hoạt động, với chức danh công việc là giám đốc điều hành của pansaka.id. Trên đó, anh tạo dáng bên máy bay phản lực tư nhân và ôtô thể thao, với dòng mô tả là “chuyên gia tiền điện tử, chuyên gia ngoại hối” và ký tắt bằng “#mastermind”.
Tin lời mời chào của người nổi tiếng
ATG được truy cập thông qua ứng dụng di động, được gọi là Meta Trader, là nền tảng giao dịch ngoại hối, nhà phân tích tài chính Desmond Wira cho biết.
Meta Trader cho phép người dùng tiếp cận nhiều nhà môi giới trên toàn thế giới, nhưng các thành viên ATG được yêu cầu chỉ giao dịch thông qua hai nhà môi giới được chỉ định là Pantheratrade atau và Legomarket LLC, nằm dưới sự kiểm soát của Kenzo.
Các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu gian lận vì giao dịch chứng khoán bằng robot chân chính không hạn chế sự lựa chọn của nhà môi giới.
AI được cho là đưa ra tất cả quyết định về mua và bán, xử lý các con số với tốc độ nhanh và hạn chế sai sót của con người. Tuy nhiên, giống như tất cả chương trình giao dịch bằng robot của Indonesia, không có AI nào được sử dụng.
Thay vào đó, ngay từ đầu, khi đổ xô đến trang web, do những người nổi tiếng kêu gọi, khách hàng được hưởng 20% tiền lãi hàng tháng. Số tiền này giảm dần khi họ đổ thêm tiền vào trò lừa đảo.
Từng công ty một phá sản, mang theo hàng trăm triệu USD từ các nhà đầu tư sừng sỏ. Nhiều trong số đó rất giàu có và bị thu hút bởi lời hứa về lợi nhuận cao.
ATG là nền tảng giao dịch bằng robot của Kenzo, trong đó AI sẽ thay người dùng đưa ra các quyết định đầu tư chứng khoán. Ảnh minh họa: Phonlamai Photo/Shutterstock. |
Roy Shakti, nhà tư vấn tài chính và chuyên gia vạch trần lừa đảo, cho biết ông tin rằng ATG và một loạt tổ chức giao dịch bằng robot khác đang “đội lốt” các kế hoạch Ponzi, sử dụng tiền mặt của nhà đầu tư mới để trả cho các thành viên khác bằng lợi nhuận giả cho đến khi hết tiền.
“Các nhà đầu tư tin rằng hệ thống do AI điều hành không có cảm xúc sai lầm của con người. Tuy nhiên, nó luôn có thể bị gian lận”, Shakti cho biết.
Các vụ lừa đảo đầu tư ngoại hối và tiền điện tử tương tự đã được vạch trần ở Thái La. Những người nổi tiếng có mối liên quan bị buộc tội câu kéo sự tin tưởng của nhiều nhà đầu tư.
Những người Indonesia giàu có ít có khả năng rơi vào các vụ lừa đảo “đánh cá”, “lãng mạn” hoặc “mổ lợn” vốn đã gây chấn động châu Á trong vài năm qua. Nhưng các chuyên gia nói rằng kế hoạch đầu tư với lợi nhuận cao dường như khó cưỡng lại.
Shakti cho biết những kẻ lừa đảo biết phải phô trương lối sống sang chảnh của chúng trên mạng xã hội. “Họ phóng chiếu hình ảnh giàu có và hàng nghìn người đổ xô đến, cũng muốn có một cuộc sống như vậy”.
“Tôi đã bị mờ mắt”
Bất kỳ đề cập nào về giao dịch bằng robot giờ đây đều là tác nhân kích thích cảm xúc đối với Alan Yanuard (39 tuổi).
Anh là một trong số 200.000 người Indonesia thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu bị ảnh hưởng vì vụ lừa đảo trò chơi ăn tiền được cho là do Simbiotik Multitalenta Indonesia (SMI) điều hành, với thiệt hại ước tính khoảng 196 triệu USD, theo cảnh sát.
“Cuộc sống của tôi bị đảo lộn kể từ khi họ ngừng giao dịch. Tôi cũng không thể rút vốn”, Yanuard nói, giọng run run. Anh làm việc trong khu vực tư nhân, nhưng không muốn nói rõ công việc của mình vì sợ ảnh hưởng.
SMI, bắt đầu hoạt động vào năm 2019, phủ nhận trên trang web chính thức rằng họ cung cấp “các sản phẩm đầu tư hoặc phần mềm robot” như một phần dịch vụ và khẳng định chỉ bán “sách điện tử và trình tạo phần mềm EA Creator” thông qua kế hoạch tiếp thị đa cấp.
Tuy nhiên, 10 khiếu nại riêng biệt chống lại SMI được đệ trình trong 2 năm qua với cảnh sát Indonesia thay mặt cho hàng nghìn nạn nhân, cáo buộc nền tảng này gian lận, tham ô và chiếm dụng tiền.
Nhiều nạn nhân trắng tay và gánh khoản nợ khổng lồ khi đầu tư vào nền tảng của Kenzo. Ảnh minh họa: The Telegraph. |
Lần đầu tiên Yanuard quyết định đầu tư vào SMI là vào tháng 6/2021, sau khi tham khảo ý kiến của bạn bè, những người đã cho anh bằng chứng thuyết phục.
“Tôi chưa bao giờ bỏ tiền vào bất cứ thứ gì như thế trước đây. Nhưng tôi bị cắt giảm lương trong đại dịch và cần có thêm thu nhập”, anh nói.
Ban đầu, Yanuard đầu tư gói 500 USD. Trong năm đầu tiên, hầu hết nhà đầu tư với SMI cho biết họ nhận được lợi suất trung bình 22% một tháng, khác xa so với mức lãi suất khoảng 4% đối với tiền gửi có kỳ hạn do các ngân hàng Indonesia thông thường cung cấp.
“Tôi nhận được lợi nhuận cao như đã hứa. Tôi đã bị mờ mắt”, Yanuard nói.
Vì vậy, tháng 11 cùng năm, anh đã vay ngân hàng khoảng 10.000 USD và đầu tư vào SMI. Nhưng chỉ 2 tháng sau, công ty vỡ nợ và tiền không còn nữa.
“Tôi định dùng số tiền kiếm được để phụng dưỡng người mẹ đã nghỉ hưu của mình. Bây giờ, tôi bị những kẻ đòi nợ truy lùng mà không thể kham được tiền lãi”, anh nói đầy đăm chiêu.
Ngày 10/2, cảnh sát cho biết 9 quan chức điều hành của SMI đã bị truy nã vì tội lừa đảo, bao gồm người sáng lập kiêm chủ sở hữu Andreas Andreyanto và Giám đốc Samuel Lauw Swan Hie. Cả hai bị nghi ngờ đã trốn khỏi đất nước.
Một nhóm khoảng 5.500 nạn nhân của SMI, được gọi là Gempur Net89 và do Bambang Lukman Hadi lãnh đạo, đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát.
“Chúng tôi là nhóm nạn nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội cam kết đòi công lý và tài trợ tiền bồi thường từ SMI”, Hadi cho biết.
Nhóm của ông đang theo dõi các tài sản liên quan của công ty, để có thể gỡ gạc phần nào.
Các cơ quan quản lý như Cơ quan Dịch vụ Tài chính bị đổ lỗi về việc không cảnh báo công chúng về những trò lừa đảo như ATG, chuyên gia về tội phạm tài chính Shakti cho biết.
ATG chỉ bị tuyên bố là “tổ chức đầu tư bất hợp pháp” vào tháng 11/2021.
“Thời điểm đó khá muộn màng đối với hầu hết nạn nhân”, Shakti nói.
Theo Zing