Cách đây 2 tháng, một cụ ông 73 tuổi vừa được chẩn đoán ung thư tế bào thận. Bệnh nhân và gia đình đã tìm đến các bài thuốc dân gian nhưng bệnh không thuyên giảm.
Sau đó, người bệnh đi khám lại phát hiện bướu có chồi bướu đi vào lòng tĩnh mạch thận và một phần tĩnh mạch chủ. Đến đầu tháng 7/2022, các bác sĩ của Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) xác định, bướu đã bít kín lòng tĩnh mạch chủ bụng và lấn sang một phần tĩnh mạch thận trái.
Theo y văn, ung thư thận có chồi bướu vào lòng tĩnh mạch chiếm 4-10% các trường hợp ung thư thận. Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình của người bệnh là 5 tháng. Tuy nhiên, nếu được phẫu thuật cắt thận và lấy chồi bướu, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh trung bình đạt 64%.
Trước ca bệnh 73 tuổi, chuyên gia của Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn với nhiều chuyên khoa, thống nhất lên kịch bản chi tiết cho ca phẫu thuật bằng robot. Mục tiêu là đạt mức độ an toàn và hiệu quả cao nhất cho người bệnh.
Đúng như dự tính, ca mổ kéo dài 5 giờ, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi với robot hỗ trợ, lấy toàn bộ thận và khối bướu trong lòng tĩnh mạch chủ bụng. Bệnh nhân được truyền 2 đơn vị máu sau mổ, chăm sóc tại phòng hồi tỉnh 24 giờ và xuất viện sau 6 ngày.
Theo các chuyên gia, phẫu thuật lấy chồi bướu trong lòng tĩnh mạch chủ đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm, có chuyên môn rất cao. Đồng thời, phát sinh nhiều thử thách ở hồi sức trong và sau mổ do phải can thiệp trên mạch máu trung tâm.
Từ trước đến nay, tại Việt Nam, bệnh nhân ung thư thận có chồi bướu trong lòng tĩnh mạch chủ đều được mổ mở. Sở Y tế TP.HCM đánh giá, với thành công của ca phẫu thuật nội soi Robot, Bệnh viện Bình Dân đã hoàn thiện tất cả các phẫu thuật khó nhất trong chuyên ngành ngoại tiết niệu.
Trước đó, năm 2016, phẫu thuật bằng robot cho người lớn được áp dụng thành công ở Bệnh viện Bình Dân được Bộ Y tế đánh giá là một thành tựu y khoa. Đây cũng là bệnh viện đầu tiên đưa công nghệ robot trong phẫu thuật nội soi vào điều trị cho người lớn tại VIệt Nam.