Tay, chân của nam sinh 14 tuổi được buộc lại ở 4 thành giường, ngăn cơn vùng vẫy, co giật. Những chiếc gối nước chèn ở lưng, chân, tránh lở loét do nằm lâu. Chị T. cũng không biết con sẽ nằm như thế đến bao giờ. Chỉ biết đôi mắt kia dù mở to kia cũng không nhìn thấy mẹ đang xoa nắn từng ngón tay, ngón chân.
Chị T. kể, con trai đang học lớp 7. Cách đây 1 tháng, em bị sốt và đau đầu khi đang thi cuối kỳ. Gia đình mua thuốc tạm trong 2 ngày, cố để em hoàn thành kỳ thi. Tuy nhiên, nam sinh đau đầu dữ dội, co giật, phải chuyển cấp cứu ở TP.HCM. Em hôn mê trên đường đi.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân nhưng không tránh được di chứng của viêm não Nhật Bản. Hơn 1 tháng điều trị, nam sinh 14 tuổi vẫn chưa thể nhận biết được xung quanh.
Khai thác bệnh sử, người mẹ khẳng định, con trai đã tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi 1. Tuy nhiên, chị không nhớ rõ về mũi tiêm nhắc lại.
“Tôi sống ở quê nên không có điều kiện như ở thành phố. Nhiều loại vắc xin khác nhau nên tôi không nhớ con có tiêm nhắc lại hay chưa. Sổ tiêm chủng bị thất lạc.
Hơn một tháng con nằm viện, tôi không còn nước mắt để khóc nữa, cũng không đau giùm con được. Bây giờ chỉ có nó chịu đựng một mình", chị T. nói.
Cách đó vài chiếc giường, chị M.T.Q (33 tuổi), sống ở Bạc Liêu, đang lau nước mắt cho con trai 12 tuổi. Cậu bé mở to mắt, nhưng không tiếp xúc, nước mắt chảy ra mỗi khi người lớn nói chuyện về mình.
“Con nghe và hiểu được chị ạ”, người mẹ nói. Bệnh nhi này đã nằm trong phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 suốt 3 tháng. Cha mẹ thay phiên nhau từ quê nhà lên chăm con, đứa em 10 tuổi phải gửi ông bà nội.
Chị Q. cho biết, bé bị sốt 2 ngày, đến ngày thứ 3 bất ngờ bị yếu liệt chân và không đi được. Chị hoảng hốt đưa con từ Bạc Liêu đến Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ điều trị 2 ngày. Con hôn mê và được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nằm cho đến tận bây giờ. Theo lời người mẹ, con trai đã tiêm đầy đủ vắc xin tuy nhiên bệnh vẫn chuyển nặng.
Cả 2 bệnh nhi đều chưa thể xác định được khả năng phục hồi.
Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, trẻ bị viêm não Nhật Bản nếu nhập viện muộn sẽ bị di chứng về thần kinh, vận động. Thời gian điều trị thường kéo dài, không phải vài tháng mà tính bằng năm.
Trẻ sẽ được nâng đỡ dinh dưỡng, tập vật lý trị liệu. Trẻ phải tập ngồi, tập đi từng bước, tập nói lại từ đầu như những trang giấy trắng, dù chúng ở tuổi 14, 15.
“Có những trẻ không thể đi học được nữa, phải sống lệ thuộc vào người chăm sóc, từ chuyện ăn uống, tắm rửa hàng ngày. Khả năng phục hồi khác nhau với từng trường hợp. Việc tập luyện cho trẻ đòi hỏi sự nỗ lực và hy sinh rất lớn của cha mẹ”, bác sĩ Quy chia sẻ. Bệnh nhi nằm viện lâu nhất vì di chứng viêm não tại đây kéo dài đến 4 năm.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thường xuất hiện theo mùa, khoảng tháng 5-6-7 hàng năm. Vắc xin phòng bệnh đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (tiêm miễn phí). Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 kéo dài, Việt Nam và nhiều quốc gia đối mặt với tỷ lệ chủng ngừa thấp, do phụ huynh e ngại đưa con đến các điểm tiêm đông đúc.
“Phụ huynh nên rà soát lại để tiêm đầy đủ vắc xin cho trẻ, bao gồm các mũi nhắc lại để tránh nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Nếu điều trị muộn, bệnh sẽ để lại di chứng nặng nề về tâm thần, vận động, thậm chí khiến trẻ tử vong”, bác sĩ Quy nói.