Săn hàng giá rẻ giữa "cơn bão giá"
Đã có nhiều kinh nghiệm sống chung với biến động thị trường từ nhiều năm nay, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều người nội trợ khéo gói ghém các khoản chi nhưng vẫn bảo đảm chất lượng ăn uống, sinh hoạt của gia đình dù giá cả nhiều mặt hàng đang rủ nhau tăng "nóng".
Chị Trần Thanh Phương (Gia Lâm, Hà Nội) là công nhân may, chia sẻ, mới nửa tháng 3 mà các khoản chi của gia đình chị đã bằng 70% so với cả tháng 2. "Tôi coi kỹ sổ ghi chép thì thấy không có khoản phát sinh nào, số tiền chênh lệch là do phải tốn nhiều hơn cho đi lại, ăn uống, sinh hoạt cơ bản mỗi ngày. Đà này đến cuối tháng chắc chắn sẽ bội chi" - chị Thanh Phương tính toán và đã quán triệt tinh thần chỉ những thứ thật cần thiết, hàng khuyến mãi thì mới xuống tiền mua.
"Khi đi chợ hay siêu thị, tôi sẽ ưu tiên mua những món được giảm giá hoặc giá thấp nhất. Sữa uống cho con cũng chỉ dám chọn loại rẻ, đang được áp dụng khuyến mãi. Trên kệ siêu thị có bày một loạt hãng nước mắm, nhãn trắng thì tôi bỏ qua, cái nào gắn nhãn vàng giảm giá tôi mới xem rồi mua" – chị Phương chia sẻ. Nhờ vậy mà khoảng 1 tuần trở lại đây, chị Phương cho biết, mình đang "kìm" được tốc độ chi tiêu của bản thân và gia đình trong cơn "bão giá".
Đi làm bằng xe đạp, tàu điện trên cao
Những ngày qua, mỗi ngày, chị Thuỳ Linh (Đống Đa, Hà Nội) đều đạp xe 4 km từ nhà đến công ty. Dù chạy xe máy nhanh và tiết kiệm thời gian hơn, chị lại rất thích cảm giác thong dong trên chiếc xe đạp.
Chị Linh chia sẻ, chị có thói quen đạp xe thể dục vào buổi sáng sớm và chiều tối. Thỉnh thoảng, chị vẫn đạp xe tới siêu thị, đến phòng tập yoga và đi cà phê với bạn bè. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện đạp xe đi làm vì thấy đồ đạc lĩnh kỉnh, bất tiện.
"Hôm trước đổ xăng, tôi đến giật mình vì chiếc xe máy LX của tôi chưa bao giờ đổ xăng mà hết những 190.000 đồng cả. Vậy là tôi quyết định thử đạp xe đi làm xem thế nào. Cũng may, những ngày này thời tiết Hà Nội vẫn mát mẻ và dễ chịu nên tôi cũng thích cái cảm giác thong thả và thư thái này" - chị Linh cho hay.
Để thắt chặt chi tiêu trong giai đoạn "bão giá", Ánh Ngọc (27 tuổi, Hà Nội) chuyển sang di chuyển bằng tàu điện trên cao.
Vì sử dụng thường xuyên, Ngọc chọn mua vé tháng với mức giá 200.000 đồng. Loại vé này giúp cô di chuyển thuận tiện, không bị giới hạn giữa các bến trong lộ trình.
"So với việc đi xe máy trước khi giá xăng tăng thì số tiền trả cho vé tàu có cao hơn một chút. Nhưng sau khi giá xăng tăng cao chóng mặt thì đây là giải pháp tiết kiệm hơn.
Ví dụ, trước kia mình tốn khoảng 150.000 đồng đổ xăng mỗi tháng, còn hiện tại sẽ mất 180.000-200.000 đồng, chưa tính đến tiền vé gửi xe 5.000 đồng/ngày", Ngọc chia sẻ.
Mua hàng thời trang "outlet"
Cơn "bão giá" ập đến từ sau Tết Nguyên đán và cũng rơi vào giai đoạn chuyển mùa, khi mà những người nội trợ ở miền Bắc cũng bắt đầu phải sắm sửa quần áo mùa hè cho cả gia đình. "Mọi năm, những lần chuyển mùa thế này, mình tốn vài triệu để mua quần áo cho cả 4 thành viên trong gia đình. Nhưng năm nay, mình không dám mua sắm… phóng tay, thích gì mua nấy như mọi năm nữa. Giá cả đang leo thang, cắt được cái gì là phải cắt giảm ngay" – Thanh Thuý, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội cho biết.
Tuy nhiên, người lớn có thể không sắm quần áo mới, dùng quần áo của năm trước, nhưng trẻ con thì lớn nhanh như thổi, cũng không thể tránh việc mua sắm quần áo mới. Vậy là Thanh Thuý tìm cách săn hàng "outlet" (hàng hết mốt) của các thương hiệu. "Một chiếc áo phông cho bé nam bình thường có giá 200.000 nhưng mình mua hàng hết mốt thì chỉ còn 80.000 đồng/chiếc thôi. Chiếc váy mùa hè có giá 800.000, hết mốt nên chỉ còn giá 250.000 đồng" – Thanh Thuý hồ hởi khoe về cách cô đang cắt giảm chi tiêu để đi qua mùa "bão giá" này.
Theo Phụ nữ Việt Nam