Tại huyện vùng cao Mai Châu (Hoà Bình), thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh truyền thông, thông tin nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mỗi năm giảm từ 1 - 1,5%; riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,4%. Năm nay, huyện đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo xuống dưới 10%.
Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng.
Năm nay, huyện được giao hơn 19,2 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hơn một nửa trong số này được sử dụng để thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, số còn lại để thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...
Theo báo cáo, đến nay, 100% người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp thẻ BHYT. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã gia hạn và cấp mới thẻ BHYT cho 1.810 người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Huyện thực hiện đồng bộ các chính sách khác về giáo dục và đào tạo theo quy định để giảm nhanh chiều thiếu hụt về giáo dục. 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, học sinh, sinh viên thuộc các đối tượng chính sách được miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo và hỗ trợ chi phí học tập.
Công tác hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại huyện Mai Châu được thực hiện chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Ngoài nguồn vốn từ các chương trình MTQG, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững, một cách làm hiệu quả huyện đã triển khai là huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ, đẩy mạnh vận động đóng góp, giúp đỡ của dòng họ, gia đình, kết hợp giúp đỡ về ngày công của lực lượng công an, quân đội và các đoàn thể.
Năm 2024, huyện có kế hoạch xóa 287 nhà tạm, nhà dột nát, tổng kinh phí thực hiện trên 10 tỷ đồng. Bằng nhiều nỗ lực, nửa đầu năm 2024, địa phương đã cơ bản chuẩn bị đủ nguồn lực để thực hiện công tác này.
Với tinh thần tương thân, tương ái, "không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện Mai Châu đã rà soát, huy động các nguồn lực triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo. Nhiều gia đình nghèo ở đây khi được sống trong ngôi nhà được xây lên bằng tình cảm của cộng đồng vẫn cứ "ngỡ như mơ".
Năm 2024, ông Hà Văn Chúc, xóm Chà Đáy, xã Thành Sơn cùng gia đình đã được sống trong ngôi nhà khang trang, kiên cố. Hộ nghèo này từng nhiều năm sống trong căn nhà dột nát, mỗi khi mưa gió nơm nớp lo sợ nhà đổ. Ngôi nhà ông đang ở được dựng lên bằng nguồn hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, họ hàng, làng xóm. Ngôi nhà vững chắc không chỉ giúp ông vơi nỗi lo lắng mỗi khi mưa rét mà còn để gia đình ông Chúc tập trung làm ăn để sớm thoát nghèo.
Xã Tân Thành (Mai Châu) hiện có 57 trường hợp thuộc diện xoá nhà tạm, nhà dột nát. Đảng ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng, tìm hiểu hoàn cảnh các hộ cần xây dựng nhà ở mới để có kế hoạch ưu tiên hỗ trợ, từ đó lập danh sách trình các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực.
Chăm lo nhà ở cho người nghèo là chủ trương lớn, mang ý nghĩa nhân văn. Một căn nhà khang trang, kiên cố được dựng lên không chỉ là mái ấm an yên cho các hộ nghèo mà còn là động lực lớn lao để họ nỗ lực vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo đa chiều, bền vững. Đây cũng không chỉ là câu chuyện của ngân sách nhà nước mà rất cần sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chung tay ủng hộ. Tại huyện Mai Châu và tỉnh Hoà Bình hay nhiều địa phương khác, sự chung tay đó được thể hiện bằng nhiều hình thức phù hợp như: kinh phí, ngày công lao động, đồ dùng, trang thiết bị sinh hoạt và vật liệu xây dựng (cát, sỏi, gạch, ngói, xi măng).