Theo tính toán của Nikkei, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc và phương Tây hiện đang kiểm soát khoảng 90% thị trường xe ô tô điện toàn cầu, trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản từng thống trị ở thị trường này cách đây hơn 10 năm, nay đã giảm xuống dưới 5% thị phần.
Nguyên nhân được lý giải là do các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản rất thích thú với xe hybrid sau khi dòng xe này mang đến những thành công vang dội, vì vậy họ không muốn xe điện sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Dựa trên dữ liệu từ công ty phân tích thị trường MarkLines, thị phần xe điện của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trong năm 2022 chiếm 40%, các nhà sản xuất ô tô Mỹ chiếm 30% và 20% thuộc về các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Doanh số bán xe ô tô điện toàn cầu đạt tổng cộng 6,8 triệu xe trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2022, tăng 50% so với cả năm 2021.
Những hãng sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD đã bán được khoảng 2,9 triệu xe trong năm nay. Không những thế, BYD còn đang đẩy mạnh hoạt động ở châu Á ngoài "sân nhà" Trung Quốc vốn đang là thị trường xe điện lớn nhất thế giới.
Các nhà sản xuất xe điện của Mỹ, dẫn đầu là Tesla bán được khoảng 2,1 triệu chiếc. Các hãng xe của châu Âu, chẳng hạn như Volkswagen và Renault cũng đã bán được khoảng 1,2 triệu xe điện.
Trong khi các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan chỉ bán được khoảng 200.000 xe điện trong năm nay, tương đương 2 - 3% thị phần và có khả năng sẽ kết thúc năm 2022 dưới con số 5%.
Đây là tình cảnh rất khác so với giai đoạn năm 2010, khi doanh số bán xe điện toàn cầu chỉ đạt con số hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn xe mỗi năm. Ở thời điểm đó, Nhật Bản chiếm lĩnh khoảng 70 - 90% thị trường xe điện.
Cụ thể, Mitsubishi Motors đã cho ra mắt mẫu i-MiEV được quảng cáo là dòng xe EV sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới vào năm 2009. Nissan theo sau vào năm 2010 với mẫu Leaf.
Vậy lý do nào khiến Trung Quốc và Mỹ đã vươn lên mạnh mẽ để chiếm giữ thị phần xe điện?
Lý do đầu tiên là họ cảm cảm nhận được giá trị của xe điện, loại phương tiện có động cơ không phát thải ra khí CO2, có tiềm năng tăng trưởng khi các nỗ lực giảm CO2 toàn cầu được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, các bộ phận của xe điện ít phức tạp hơn so với xe chạy xăng thông thường, điều này giúp những người mới như Tesla và BYD dễ dàng tham gia thị trường hơn.
Lý do thứ hai là sự thay đổi ở thị trường xe hybrid khi vào năm 2015, việc cải thiện đáng kể hiệu suất nhiên liệu của động cơ diesel đã được coi như là một phương tiện khả thi để giảm lượng khí thải CO2.
Nhưng vụ bê bối động cơ diesel của Volkswagen vào năm đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô hướng tới mục tiêu phát triển xe điện một cách nhanh chóng hơn.
Các nhà sản xuất ô tô không phải của Nhật Bản cũng tránh cạnh tranh ở thị trường xe hybrid, nơi những hãng như Toyota, Honda đã đi trước rất lâu và dẫn đầu trong thời gian.
Hơn nữa, các chính phủ châu Âu ủng hộ việc thúc đẩy xe điện bằng cách đưa ra hàng loạt quy tắc để loại bỏ hoàn toàn ô tô sử dụng động cơ đốt trong, bao gồm cả xe hybrid vào những năm 2030.
Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản vẫn đang thiết lập các ưu đãi thuế cho các phương tiện phát thải CO2 thấp không chỉ với xe điện và xe chạy bằng pin nhiên liệu mà còn cả xe hybrid.
Về phía các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, họ coi xe hybrid là một chiến lược hiệu quả hơn xe điện để bán xe có hàm lượng carbon thấp, một phần do chi phí pin xe điện còn ở mức cao.
Cùng với đó, tiến độ sử dụng năng lượng tái tạo của Nhật Bản cũng chậm hơn so với châu Âu, vì vậy ý tưởng sạc pin EV bằng nguồn điện lấy từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng bằng than của Nhật Bản được coi là khó có thể giảm được phát thải ròng xuống thấp.
Thế nên, nếu tập trung vào xe hybrid mà chỉ quan tâm đến doanh số bán hàng trong nước, các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản có nguy cơ bỏ lỡ các xu hướng toàn cầu.
Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản hiện đang chuyển hướng sang xe điện tương đối muộn màng, chẳng hạn như Honda đang lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2040.
Hiện tại, thị phần xe điện đã tăng từ 6% lên 10% trong tổng doanh số bán xe ô tô mới toàn cầu trong năm 2022. Như vậy, con số này đã tăng lên gấp 10 lần so với mức dưới 1% vào khoảng năm 2010, thời điểm mà các hãng xe Nhật Bản thống trị thị trường xe năng lượng mới.
Ngô Minh (Theo Nikkei Asia)