Tôi đi nhậu với bạn và được đãi món rượu pha huyết kỳ đà. Chủ quán giới thiệu đây là rượu "một người uống, hai người vui" nhưng tôi không uống được vì thấy sợ. Rượu pha huyết có tác dụng như vậy thật không, thưa bác sĩ? (Hoàng Hưng, 30 tuổi, Bình Dương).
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, tư vấn:
Đúng là xưa nay, nhiều người cho rằng uống các loại rượu máu (huyết) sẽ tăng sức khỏe, tăng đề kháng, tăng khả năng đàn ông. Các loại rượu huyết thường thấy như rượu huyết rắn, dê, bồ câu, ba ba, kỳ đà…
Thực tế, y học cổ truyền hầu như không dùng huyết sống để trị bệnh cũng như rất ít đề cập đến việc sử dụng máu động vật làm thuốc bổ thận tráng dương. Hơn nữa, huyết tính lạnh nên không phải ai dùng cũng tốt, nhất là với người thuộc thể hàn (hay sợ lạnh, ăn kém, huyết áp thấp, hay đầy bụng, chậm tiêu, đi lỏng).
Đến nay, chưa có cơ sở khoa học hay công trình nghiên cứu nào chứng minh rượu huyết có khả năng tăng cường sức mạnh “chuyện ấy” của đàn ông. Nói ngắn gọn, dùng máu động vật để bổ thận tráng dương chỉ là lời đồn, thậm chí nguy hại cho sức khỏe.
Đã có nhiều trường hợp ngộ độc rượu pha huyết, rượu ngâm con vật hay rễ cây. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, phù não, di chứng hoặc tử vong.
Huyết động vật có thể chứa nhiều vi khuẩn, virus, sán... Người uống có thể bị tiêu chảy hoặc nhiễm giun sán, ký sinh trùng.
Các loại ký sinh trùng, vi trùng có rất nhiều bên trong và bên ngoài cơ thể động vật. Khi lấy máu để pha rượu, người ta phải lấy qua da, nơi có nhiều mầm bệnh mà mắt thường không nhìn thấy như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng...
Ở các quán nhậu, rượu huyết được pha chế một cách bừa bãi, lưu trữ không đúng cách, rượu không đảm bảo, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Cũng cần lưu ý thêm, máu là thành phần rất dễ bị nhiễm trùng, phân hủy. Ngoài ra, việc uống rượu huyết dễ dẫn đến dị ứng, phá hủy tế bào gan, gây xơ gan, trụy tim mạch.