Những bữa cơm nhà của chị Liên chỉ có giá từ 50-100 nghìn đồng mà vẫn đủ chất và đa dạng món ăn. Thậm chí, có bữa, chị chỉ nấu hết 30 nghìn đồng cho 4 người ăn, gồm 2 người lớn, 2 trẻ con - một bé 6 tuổi, một bé 8 tuổi.
Để có những bữa cơm đủ dinh dưỡng mà vẫn tiết kiệm, chị Liên cho biết, ngoài việc giá cả ở quê rẻ thì cũng cần một số quy tắc và kỹ năng.
Bà mẹ 2 con chia sẻ, gia đình chị sống ở một thị trấn lưng chừng núi, lưng chừng sông của tỉnh Đồng Nai. Hai vợ chồng đều là giáo viên, ăn lương theo bậc viên chức Nhà nước. Cuộc sống không quá xa hoa, cũng không quá thiếu thốn.
Gia đình chị ăn cả 3 bữa ở nhà. Các con đi học cũng không ăn bán trú mà bữa trưa về nhà ăn, nghỉ ngơi rồi chiều lại đến trường. Chị chia sẻ, mặc dù hết sức “vén” nhưng chị luôn đặt tiêu chí “đủ dinh dưỡng” lên đầu để cả nhà vẫn đủ năng lượng “chiến đấu” cả ngày.
Chị áp dụng quy tắc 6 chiếc hũ chi tiêu và dành khoảng 55% thu nhập cho các chi phí sinh hoạt hằng ngày – khoảng 10 triệu đồng. Để “vén đủ” mọi sinh hoạt phí trong 10 triệu đồng cho 4 người, chị thường áp dụng một số quy tắc.
Đầu tiên, chị hay mua hóa mỹ phẩm, đồ khô qua các kênh online. Theo chị Liên, việc đặt hàng trên kênh online giúp chị có cái nhìn tổng quan để dễ dàng so sánh giá, các chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, việc mua đồ online giúp chị mua vừa đủ dùng, không bị sa đà sang các mặt hàng khác.
Cách thứ 2, chị thường mua thực phẩm theo tuần. “Vì điều kiện công việc của mình không thể sắp xếp thời gian đi chợ mỗi ngày, nên mình thường mua thực phẩm vào mỗi cuối tuần rồi chia bữa, chia hộp trữ đông và dùng dần đến hết trong vòng 1 tuần. Việc gom mua thực phẩm 1 lần lượng lớn như vậy sẽ được mức giá tốt hơn, đồng thời việc chia bữa cụ thể như vậy sẽ tránh dôi dư”.
Khi mua thực phẩm rau củ, chị cũng ưu tiên nguồn thực phẩm theo mùa và là sản vật địa phương. Những rau trái, cá thịt tại nguồn sẽ có mức giá rẻ hơn vì không mất chi phí bảo quản, vận chuyển, đồng thời cũng an toàn hơn vì rau trái theo mùa sẽ dễ canh tác hơn mà không phải phun xịt quá nhiều.
Ngoài ra, để mua được thực phẩm giá rẻ mà chất lượng không đổi, chị hay lựa chọn hoa quả xấu mã, rám vỏ, kích thước nhỏ... Những loại này sẽ có giá tốt hơn so với hoa quả hàng tuyển chọn.
Mua thịt, chị chọn phần thịt vai, mông thay vì ba rọi sườn sẽ được giá rẻ hơn với cùng trọng lượng. Mua rau, chị chọn loại rau dễ trồng như rau muống, rau lang, rau cải... sẽ rẻ hơn so với chọn súp lơ, ớt chuông...
Chị cũng cho biết, chị luôn cố gắng nấu một lượng thức ăn vừa đủ hoặc hơi ít hơn so với khẩu phần ăn. “Không biết mọi nhà sao, chứ nhà mình mà nấu dư thì chỉ có mỗi mình tiếc của mà ráng ăn thôi, trong khi mình còn phải è cổ tập thể dục giảm cân mỗi sáng. Trong trường hợp mà lỡ có dư ra xíu đồ ăn thì mình cũng sẽ chế biến lại cho bữa tối, bữa đó sẽ không rã đông đồ ăn mới nữa mà chiên thêm trứng bù đủ ăn. Cơm thừa sẽ cất hộp, gom đủ bữa thì làm món cơm chiên hoặc cơm cháy”.
Vào mùa hè không phải đi dạy, chị Liên thường dậy lúc 4h30 để tập thể dục ở công viên. Sau đó, chị ghé chợ mua rau củ cho ngày mới. Chị tập cho cả nhà thói quen ăn nhiều rau hơn thịt, phần vì ưu tiên cho sức khoẻ, phần vì “lương viên chức thì phải vén cho khéo”.
Một số mâm cơm hằng ngày mà chị Liên đã nấu:
Ảnh: Nhân vật cung cấp