Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nước này cần “chớp lấy cơ hội” của công nghệ blockchain. Trong bài phát biểu năm 2019, ông Tập gọi blockchain là “đột phá quan trọng”. Từ đó, công nghệ này trở thành ưu tiên cấp quốc gia đối với Trung Quốc, bên cạnh các công nghệ khác như bán dẫn.
Tuy không nổi đình nổi đám, Trung Quốc đang âm thầm phát triển nền tảng để tạo điều kiện triển khai công nghệ blockchain cho các doanh nghiệp có tên Mạng dịch vụ dựa trên blockchain (BSN).
Blockchain là gì?
Blockchain được biết đến nhiều nhất như công nghệ nền của Bitcoin. Nó là sổ cái phân tán, ghi lại các giao dịch trên mạng Bitcoin. Blockchain phân quyền và không thực thể nào sở hữu nó. Thay vào đó, nó được duy trì bằng một mạng lưới những người tham gia, sử dụng các máy tính chuyên dụng.
Có nhiều định nghĩa về blockchain. Blockchain không giấy phép hay blockchain công khai cho phép bất kỳ ai tham gia và thay đổi blockchain, trong khi đó, blockchain có phép thường là riêng tư và chỉ chấp thuận một vài người tham gia.
Những người ủng hộ blockchain cho rằng chuỗi khối sẽ tăng sự minh bạch và tốc độ cho các quy trình vốn đắt đỏ, chậm chạp, chẳng hạn chuyển tiền xuyên biên giới. Một khía cạnh quan trọng khác là smart contract (hợp đồng thông minh). Những hợp đồng này được lập trình, tự động thực thi hành động nào đó nếu đáp ứng điều kiện nhất định.
Yifan He, CEO Red Date Technology, phát biểu trên CNBC rằng công nghệ blockchain đủ mạnh để thay đổi toàn bộ Internet và gần như mọi kiến trúc hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Công ty của ông là một trong các thành viên sáng lập BSN. Trong khi đó, Paul Triolo, phụ trách chính sách CNTT của hãng tư vấn Albright Stonebridge, đánh giá blockchain nói chung rất quan trọng đối với Trung Quốc do nhà chức trách muốn các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy ứng dụng blockchain để giải quyết các vấn đề ngoài đời thực.
BSN của Trung Quốc có thể làm gì?
Sản phẩm của BSN dành cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng điện toán đám mây. Đó có thể là những người chơi lớn như Amazon, Microsoft hay những con “cá bé” dùng đám mây riêng hoặc intranet. BSN tự xưng là “cửa hàng một cửa” triển khai mọi ứng dụng blockchain trên đám mây. Nó cố gắng giải quyết bài toán khó trong ngành: tính liên thông, tức là làm cho các mạng blockchain khác nhau làm việc cùng nhau. Chẳng hạn, nếu hai ngân hàng viết ứng dụng dựa trên các nền tảng blockchain khác nhau, chúng có thể không tương thích với nhau. Song, ứng dụng phát triển qua hạ tầng BSN sẽ liên thông.
Với những công ty muốn sử dụng vài ứng dụng blockchain trong tổ chức, sản phẩm của BSN giúp họ làm điều đó thông qua doanh nghiệp đám mây họ đang dùng thay vì cài đặt một loạt máy chủ mới. Ý tưởng là một doanh nghiệp hay chính phủ có thể dùng nền tảng của BSN để dễ dàng triển khai ứng dụng blockchain mà không phát sinh chi phí đáng kể.
Nhu cầu hiện tại chưa cao, song ông He tin tưởng vào tương lai lâu dài của sản phẩm. “Tôi tin 10 năm nữa, tất cả đám mây sẽ có một môi trường blockchain tiêu chuẩn để xử lý tất cả ứng dụng liên quan đến nó”.
Một điều quan trọng là không có tiền mã hóa nào gắn với nền tảng của BSN, đó là vì Trung Quốc cấm các hoạt động liên quan tới tiền điện tử và tiền điện tử bị xem là bất hợp pháp tại đây. Các blockchain không đi cùng tiền mã hóa có thể hấp dẫn với những công ty lớn không muốn tiếp xúc với tính chất biến động và rủi ro của hình thức này.
Ai đứng sau BSN?
Startup Red Date Technology trụ sở tại Hong Kong là một trong các thành viên sáng lập BSN. Tuy nhiên, dự án được hậu thuẫn bởi các thực thể có liên quan đến chính phủ Trung Quốc. Họ bao gồm Trung tâm thông tin quốc gia (SIC) thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC); China Mobile, nhà mạng quốc doanh.
Trong vài năm qua, Mỹ Trung cạnh tranh nảy lửa trên mặt trận công nghệ. Trung Quốc tập trung vào công nghệ “tiền tuyến”, bao gồm điện toán lượng tử và bán dẫn. Blockchain cũng là một lĩnh vực quan trọng. Các công ty Trung Quốc đặt nhiều nỗ lực nhằm mở rộng thị trường ngoại, động thái được Bắc Kinh ủng hộ. Tầm quan trọng của BSN là nó là một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái chuỗi khối theo điều các điều kiện của riêng mình.
Du Lam (Theo CNBC)
Trung Quốc cấm trẻ dưới 16 tuổi livestream để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần
Nhà chức trách Trung Quốc cấm trẻ vị thành niên tham gia ngành công nghiệp livestream để bảo vệ “sức khỏe thể chất và tinh thần”.