Được phân công học lâm sàng tại phòng 203 khoa Thần kinh - Bệnh viện E, ngoài những giờ thăm khám bệnh nhân hay nghe thầy giảng bài, chúng tôi thường nói chuyện với người nhà bệnh nhân để có thể nắm rõ hơn tình hình của từng người bệnh. Các bệnh nhân nằm ở phòng này dù ít hay nhiều đều có các tổn thương trên não và cũng không được tỉnh táo cho lắm. Trong số các bệnh nhân do tôi phụ trách, có một bệnh nhân mà hoàn cảnh của anh đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Thần kinh - Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh.

Nằm trên giường bệnh là một thanh niên 31 tuổi - cái tuổi đáng lẽ đang bận rộn lo toan cho sự nghiệp và gia đình thì bệnh nhân bất hạnh này lại bị tai nạn trong lúc làm nhiệm vụ đã khiến anh phải sống thực vật 4 tháng nay. Anh chỉ nằm trên giường, ăn uống qua sonde, đại tiểu tiện không tự chủ, đôi lúc mắt anh mở ra nhưng chỉ lờ đờ, vô hồn nhìn mọi vật xung quanh.

Tốt nghiệp sĩ quan công an chuyên ngành phòng chống tội phạm, anh được tổ chức phân công vào Tây Nguyên làm việc một thời gian vào đúng lúc Tây Nguyên đang có vụ mất an ninh trật tự năm 2001. Cuộc chiến với tội phạm nhiều lúc diễn biến gay go, anh cùng với đồng đội phải nằm rừng, ngủ ấp để canh chừng, thương vong cũng đã xảy ra. Nhưng với lòng quyết tâm và mưu trí của các chiến sĩ, cuối cùng, an ninh trật tự cũng đã được lập lại.

Sau đó, anh về Bắc công tác, được một thời gian, thấy anh là người có năng lực, tổ chức phân anh sang Đức học thêm 7 năm về chuyên ngành mà anh đang theo, suất học mà nhiều người muốn cũng khó có được. Nhưng anh đã từ chối, một phần vì anh không muốn xa gia đình, phần vì anh không muốn người yêu của mình phải chờ đợi thêm nữa. Vậy là anh quyết định ở lại Hà Nội công tác.

Yêu nhau được 6 năm kể từ thời còn là học sinh phổ thông, anh và cô bạn cùng lớp cuối cùng cũng đi đến hôn nhân. Hơn 1 năm sau đám cưới, vợ anh sinh được một bé trai kháu khỉnh và đáng yêu. Hạnh phúc đến với anh không được bao lâu, trong một lần truy đuổi để bắt bọn buôn lậu ma túy, anh đã gặp nạn. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng tổn thương não nặng khiến anh sau 4 tháng điều trị vẫn chưa tỉnh táo trở lại, vẫn chỉ tồn tại thực vật mà thôi. Nhìn người vợ trẻ bế con vào thăm cha, đứa bé mới được 13 tháng tuổi còn đang bập bẹ tập nói đôi từ. Mỗi lần có ai bảo nó gọi ba đi, khóe miệng xinh xinh của nó lại nhoẻn lên “Ba, ba, ba...a..” rồi lại dướn lên và tự vỗ tay cười.

Người thân, đồng đội và những người quen biết đều thấy xót xa cho anh. Nhìn anh đáng thương bao nhiêu thì càng thấy nỗi vất vả, nhọc nhằn hằn in trên khuôn mặt của bố mẹ anh bấy nhiêu. Gần 60 tuổi, bố mẹ anh phải chăm lo, đôn đáo mọi thủ tục giấy tờ để anh sớm được gặp bác sĩ giỏi, xét nghiệm tốt cũng với hi vọng duy nhất để tình trạng của con mình tiến triển tốt lên. Cha mẹ anh cũng là những cán bộ từng công tác trong ngành công an nay đã nghỉ hưu, bây giờ, hai bác thay nhau vào chăm anh. Vừa lau mồ hôi trên trán cho con, bà mẹ vừa an ủi: “Cố lên con trai của mẹ, nằm viện vài hôm nữa đợi khỏe hẳn mình sẽ về nhà với bé Tít nhé (Tít là tên gọi ở nhà của con anh)”. Còn anh, anh vẫn nằm đó vô hồn nhìn mọi vật mà không chút biểu lộ cảm xúc.

Con cái là tài sản vô giá của cha mẹ, vì thế, dù con mình có thế nào thì tình yêu thương con bao la đó vẫn không bao giờ thay đổi. Chăm con, thỉnh thoảng bà mẹ lại hát cho con nghe những câu hát ru từ ngày anh còn bé, bác nói với chúng tôi: “Anh ấy thích nghe mẹ hát ru lắm, lớn rồi nhưng khi gặp chuyện gì buồn, anh lại rúc vào lòng mẹ và bảo mẹ hát cho nghe”. Anh nằm đó, liệu có nghe thấy tiếng hát ru của mẹ và tiếng con thơ đang gọi cha mà sớm bình phục để về với gia đình yêu thương của mình. Tai nạn anh gặp phải là quá nặng nề, khó có thể bình phục về với cuộc sống bình thường nhưng vì nhiệm vụ, bản thân anh và gia đình đã chấp nhận những hy sinh mất mát.

Tôi chợt nhận ra rằng, cuộc đời con người chẳng nói trước được điều gì, khi có chuyện xảy ra, người nằm đó đã đành, còn nỗi day dứt với người đang sống. Có nhìn những cảnh tượng như thế, có là người trong cuộc mới cảm nhận được giá trị của sự sống thật mong manh. Và mỗi người trong chúng ta cần phải sống sao để xứng đáng với những giá trị của cuộc sống mà mình đang có được.

BS. Nguyễn Thị Hương (Bệnh viện Việt Ðức - Hà Nội)

(Theo Sức khỏe đời sống)