Theo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận hàng trăm nguồn tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động chơi hụi, trong đó nhiều người có nguy cơ mất đi số tiền lớn.
Tình trạng vỡ hụi xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, số tiền các bị hại bị chiếm đoạt lên tới vài trăm đến hàng tỷ đồng. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn cũng bị chiếm đoạt tiền thông qua hình thức chơi hụi này.
Tháng 6 vừa qua, hàng chục người dân ở xã Phước An, huyện Hớn Quản tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hoài (SN 1978) yêu cầu trả lại tiền đã góp để chơi hụi. Tuy nhiên, dù tìm gặp nhiều lần nhưng đều bất thành, người tham gia chơi hụi như ngồi trên đống lửa.
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Kim Thanh (ngụ xã Phước An), sau nhiều năm làm ăn gom góp, gia đình bà tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Khi nghe bà Hoài dụ dỗ tham gia các dây hụi để kiếm tiền lời cao, bà Thanh quyết định tham gia. Ban đầu bà chỉ tham gia số tiền nhỏ nhưng càng về sau, số tiền tham gia góp hụi càng tăng dần, đến khoảng 200 triệu.
Sau một thời gian, bà Hoài bất ngờ thông báo vỡ nợ, không còn khả năng chi trả khiến những người chơi vô cùng hoang mang, đứng trước nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã góp.
Cũng là nạn nhân trong vụ việc này, bà Lê Thị Tuấn kể bà nghe theo lời dụ dỗ của chủ hụi để chơi nhiều dây hụi, đến thời điểm chủ hụi thông báo vỡ nợ, bà Tuấn đã góp khoảng 400 triệu đồng.
Ngoài 2 trường hợp nêu trên, hàng chục người dân nghèo ở xã Phước An là nạn nhân của chủ hụi Nguyễn Thị Hoài. Lo lắng trước việc mất tiền, người dân đã tố cáo đến cơ quan công an.
Theo xác minh của Công an xã Phước An, có khoảng 120 người tham gia chơi hụi của bà Hoài.
Làm việc với công an, bà Hoài xác nhận có việc nhận tiền chơi hụi của người dân, không có ý định chiếm đoạt nhưng hiện tại mất khả năng chi trả. Sau đó, bà này cũng đóng cửa nhà, rời khỏi địa phương.
Còn tại huyện Đồng Phú, nhiều người đã gửi đơn tố cáo đến Công an tỉnh Bình Phước về việc bị bà Nguyễn Thị Thanh Lan (SN 1985, ngụ xã Tân Lợi) có dấu hiệu chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua hình thức chơi hụi.
Hầu hết người tố cáo là dân nghèo ở khu vực hẻo lánh, có nguy cơ mất trắng tiền dành dụm cả đời.
Theo bà Ngô Mỹ Hằng (ngụ cùng xã), do quen biết và cùng sinh sống chung một ấp với bà Lan nên đã tham gia chơi nhiều dây hụi do bà Lan tổ chức. Tính đến nay, số tiền bà góp cho bà Lan là gần 150 triệu, ngoài ra bà Lan còn vay bà 300 triệu đồng tiền mặt và 124 triệu đồng chuyển khoản. Đến nay, bà Lan thông báo vỡ nợ, mất khả năng chi trả.
Ngoài bà Hằng, nhiều người khác cũng tham gia chơi hụi của bà Lan với số tiền từ 136 triệu đến gần 500 triệu. Trong số này, có người còn đi vay lãi để chơi hụi và cho bà Lan vay tiền.
Đến khi bà Lan bất ngờ không còn ở địa phương, thông báo vỡ nợ thì người chơi hụi như ngồi trên đống lửa, hàng ngày vẫn phải “gồng” để trả tiền lãi đã vay trước đó.
Theo các bị hại, sở dĩ bà Lan huy động được nhiều người tham gia chơi hụi vì gia đình bà này có điều kiện, bên cạnh đó chồng bà này là công an xã nên hầu hết đều tin tưởng.
Liên quan đến các nội dung tố cáo trong vụ việc này, Công an tỉnh Bình Phước đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Nhiều người tham gia hụi, họ với mong muốn tích góp được khoản tiền lớn. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia. Nhiều vụ vỡ họ, hụi xảy ra khiến không ít người có nguy cơ mất trắng tài sản, gia đình tan vỡ. VietNamNet giới thiệu tuyến bài Bi kịch vỡ hụi để độc giả hiểu và cảnh giác hơn đối với hoạt động này. |