Ngày 13/12, ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng chia sẻ với VietNamNet các vấn đề liên quan bác sĩ L.V.N, 33 tuổi, công tác tại Khoa Khám bệnh Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT) của 19 bệnh nhân với số tiền hơn 350 triệu đồng.

Cuối tháng 10, một bệnh nhân nữ sử dụng BHYT để khám sức khỏe tại một cơ sở y tế. Khi đưa thông tin lên hệ thống, nhân viên tại đây phát hiện trường hợp này vừa sử dụng BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Nghi ngờ có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm, nhân viên trên đã thông báo Bảo hiểm xã hội tỉnh kiểm tra.

benh vien lam dong 1.jpg
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, nơi bác sĩ N. công tác. Ảnh: Xuân Ngọc.

Đánh giá sự việc nghiêm trọng, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã thành lập tổ thanh tra độc lập để rà soát. Đơn vị gặp không ít khó khăn vì nhân sự mỏng, số lượng bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT năm qua rất lớn. Tuy nhiên, các cán bộ được giao nhiệm vụ đã tiếp cận từng trường hợp. 

Theo ông Sơn, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã từ chối thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với 19 trường hợp liên quan tới bác sĩ L.V.N. Ngày 12/12, bác sĩ N. đã nộp lại số tiền vi phạm trên 350 triệu đồng. Đơn vị đang tiếp tục kiểm tra 34 trường hợp khác với số tiền gần 530 triệu đồng cũng liên quan tới bác sĩ N. 

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng khẳng định, đã tạm đình chỉ công tác khám chữa bệnh của bác sĩ N. 

Bước đầu, bác sĩ N. thừa nhận hành vi của mình. Trong tường trình, nam bác sĩ trình bày nhiều trường hợp có thẻ BHYT tới khám bệnh nên đã lưu lại các dữ liệu. Số khác cũng chuyển thông tin BHYT nhờ nhận thuốc giúp nên bác sĩ N. nảy sinh ý định trục lợi tiền bảo hiểm của người bệnh.

Bác sĩ N. đã kê đơn, nhận thuốc của 19 người dù họ không tới khám và lấy thuốc để trục lợi hơn 350 triệu đồng. Về số thuốc đã nhận, bác sĩ này trần tình khi bệnh nhân cần thì đưa, số còn lại mang đi bán.

Về trường hợp nhiều người “mượn” thẻ bảo hiểm, nhận thuốc giúp, theo ông Sơn đây là hành vi phạm pháp luật. Song song đó, một số cơ sở khám chữa bệnh ghi nhận xuất hiện tình trạng lưu thông tin thẻ BHYT của người bệnh tới khám và lấy thuốc, sau đó sử dụng để lấy thuốc đem bán. 

Để đảm bảo quyền lợi người sử dụng BHYT, ông Sơn thông tin, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ứng dụng Bảo hiểm xã hội số VssID vào hoạt động. Vì thế, người dùng có thể theo dõi quá trình tham gia, lịch sử thụ hưởng chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, sổ khám chữa bệnh và các dịch vụ trực tuyến liên quan, để đảm bảo quyền lợi của mình.