Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều nữ hoàng tài sắc vẹn toàn, lãnh đạo cả một đế chế thành công dẹp giặc ngoại xâm và phát triển xã hội thịnh vượng. Dưới đây là một số nữ lãnh đạo quyền lực nhất được ghi nhớ đến ngày nay.
Theo DW, Maria Theresa là nhà lãnh đạo độc nhất vô nhị của nước Áo, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất nắm quyền trị vì trong lịch sử của quốc gia này.
Maria Theresa sinh ngày 13/5/1717 tại Vienna, Áo, là con gái của Hoàng đế Karl VI - người cai trị đế chế Habsburg hùng mạnh tại châu Âu. Do không có con trai nối dõi, Karl VI đã ban hành một đạo luật nhằm công nhận Maria Theresa là người thừa kế toàn bộ vương triều sau khi ông qua đời.
Tuy vậy, đạo luật này đã gây ra nhiều sự phản đối vì đi ngược lại truyền thống ở châu Âu, nơi người kế vị ngai vàng thường là nam giới. Đại đế Friedrich II của nước Phổ là một trong những người phản ứng mạnh mẽ nhất, và đã phát động một cuộc tấn công nước Áo vào năm 1740, thời điểm mà Maria Theresa vừa lên ngôi ở tuổi 23.
Với những thất bại liên tục trên chiến trường, Nữ hoàng trẻ tuổi đã buộc phải cắt đất làm hòa với nước Phổ vào năm 1741. Những cuộc giao tranh sau đó vẫn xảy ra dai dẳng tới năm 1745, nhưng nước Áo cuối cùng đã chấp nhận thất bại và phải ký kết Hiệp định Dresden.
Để đảm bảo cho sự tồn tại của vương triều Habsburg và có thêm đồng minh, Nữ hoàng Maria Theresa đã quyết định cưới Franz I - Công tước xứ Lorraine, sau đó nhường ngôi cho chồng. Trên thực tế, bà vẫn nắm quyền trị vì đế chế rộng lớn này thông qua dòng dõi và tầm ảnh hưởng của mình.
Dù là một cuộc hôn nhân chính trị, nhưng Nữ hoàng Maria Theresa và chồng vẫn chung sống vô cùng hòa thuận, cả hai có với nhau 16 người con, 11 nữ và 5 nam. Trong số này, đã có những người trở thành Nữ hoàng của Pháp, Nữ hoàng của Naples và Sicily và hai Hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh.
Sau khi chồng qua đời, con trai của Maria Theresia là Hoàng đế Joseph II lên ngôi. Lúc này, bà trị vì đế quốc với tư cách là một Hoàng thái hậu, nhưng sự can thiệp quá mức đã dẫn tới những bất hòa giữa hai mẹ con. Tuy vậy, trước khi qua đời vào năm 1780, bà đã trao lại toàn bộ quyền cai trị cho con trai của mình.
Trong thời gian trị vì, Maria Theresa đã tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm đưa xã hội Áo tới mức độ phồn vinh chưa từng có. Bà đã thiết lập chế độ giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 6-12 tuổi trên cả nước, xây dựng bệnh viện Vienna (vẫn còn tồn tại tới ngày nay), và phê chuẩn đạo luật chích ngừa cho trẻ em. Bên cạnh đó, Nữ hoàng cũng đồng ý chính sách sử dụng tử thi cho nghiên cứu y học, vấn đề vẫn gây tranh cãi trong xã hội vào thời điểm đó.
Một trong những di sản lớn nhất của Maria Theresa là Codex Theresianus - bộ luật về quyền dân sự đầu tiên của nước Áo. Ngoài ra, bà đã tái cấu trúc lại quân đội, tăng quy mô quân số của Áo lên gấp đôi so với các vương triều cũ. Dưới sự cai trị của Maria Theresa, cả kinh tế, khoa học, văn hóa và quân sự của Áo đều phát triển mạnh, giúp bà được các sử gia công nhận là nhà lãnh đạo tài năng nhất của vương triều Habsburg.
Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, Maria Theresa còn nổi tiếng với sắc đẹp của mình. Không một phụ nữ nào vào thời đó có nhiều bức họa hơn Nữ hoàng Áo. Khi còn trẻ, bà thường được miêu tả là người phụ nữ có khuôn mặt tròn, mái tóc vàng hơi đỏ, đôi mắt xanh to tròn đầy sống động và sự lạc quan luôn hiện hữu.
Marie Antoinette sở hữu nhan sắc vô cùng xinh đẹp, trở thành hoàng hậu Pháp khét tiếng ăn chơi bậc nhất châu Âu nhưng có kết cục cuộc đời vô cùng bi thảm.