Mùa hè năm sinh nhật thứ 15, khi dành nửa cuộc đời ở lò đào tạo trẻ Real Madrid, Achraf Hakimi cùng đội của anh trai Nabil tham dự một giải đấu trong khuôn khổ thị trấn gần thủ đô Tây Ban Nha.
Ngay trước khi bắt đầu, những người từ Trường bóng đá Ciudad de Getafe của Nabil nhận ra rằng họ còn thiếu một người. Hakimi lao vào phòng thay đồ: "Tôi sẽ xỏ giày vào thi đấu", anh hào hứng. Không dễ để thuyết phục Achraf bỏ cuộc. David Brito, tổng giám đốc của đội, cho biết: "Chúng tôi đã phải mắng cậu ấy".
Hakimi chưa bao giờ muốn rời khu vực phía bắc Getafe, cách trung tâm Madrid khoảng 13 km. Mùa giải 2017-18, anh được đưa vào biên chế đội một Real Madrid nhưng không thể cạnh tranh với Dani Carvajal.
Mùa hè 2018, Brito đưa ra yêu cầu đặc biệt thú vị với Hakimi: "Tôi gọi cho Achraf vì chúng tôi tổ chức thi PlayStation cho học sinh, cậu ấy có thể hỗ trợ giải thưởng. Cậu ấy rất tình cảm với người chiến thắng, lúc đó tám tuổi".
"Đừng bỏ cuộc", Hakimi động viên khi trao giải cho cậu bé người chiến thắng.
Hai ngày sau đó, Hakimi bay sang Dortmund, nơi anh bùng nổ ngoạn mục theo hợp đồng cho mượn kéo dài 2 năm.
Bằng cách nào đó, Real Madrid bán Hakimi cho Inter giữa lúc các Madridista chờ đợi anh kế thừa Carvajal. Giúp đội bóng thành Milan vô địch Serie A, anh chuyển sang PSG trong mùa hè 2021 với những người khác như Lionel Messi, Sergio Ramos và Gigio Donnarumma.
Hakimi luôn tiếc vì không có nhiều cơ hội thi đấu cho Real Madrid, dù anh hiện là ngôi sao PSG. "Đó là giấc mơ lớn nhất của Achraf", cha của anh nói, kể về việc một cậu bé 7 tuổi hạnh phúc khi giấc mơ đến học viện Castilla của CLB Hoàng gia Tây Ban Nha thành hiện thực,
Người hâm mộ bóng đá Tây Ban Nha thì tiếc Hakimi. Ngay từ rất trẻ, anh chọn quê hương Maroc thay vì khoác áo đội tuyển xứ bò tót.
Mặc dù đội tuyển Tây Ban Nha nằm trong nhóm mạnh nhất thế giới, với cơ hội giành danh hiêu, nhưng Hakimi hướng về Maroc. Bản thân anh sinh ra tại Madrid, nhưng cha mẹ là những người di cư từ quốc gia châu Phi.
Chú sư tử Hakimi
Trong bóng đá hiện đại, các cầu thủ nhập cư thường hiếm khi chọn đội tuyển quê hương. Điều này khá nhiều ở Pháp, Tây Ban Nha, hoặc Đức.
Hakimi đi ngược lại so với số đông. Những ngôi sao đủ điều kiện khoác áo Tây Ban Nha như anh sẽ không chọn Maroc, trừ khi tài năng không đủ để được gọi vào "La Roja".
Nhiều người tiếc cho Hakimi vì Maroc không phải đội tuyển mạnh. Ở World Cup 2018, họ trở lại sau 20 năm vắng mặt. "Sư tử Atlas" không vô địch châu Phi kể từ 1976.
Hakimi chưa bao giờ tiếc về lựa chọn của mình. Anh luôn cống hiến hết mình khi có cơ hội thi đấu cho Maroc.
Kinh nghiệm bóng đá từ La Liga đến Bundesliga, Serie A và Ligue giúp anh trở thành thủ lĩnh Maroc. Dù mới 24 tuổi, anh đã có 58 trận quốc tế, cùng với 8 bàn thắng.
Maroc nảy sinh mâu thuẫn lớn trước khi diễn ra World Cup 2022. Ba tháng trước ngày bóng lăn tại Qatar, Vahid Halilhodzic bị sa thải và Walid Regragui lên ngồi ghế HLV trưởng.
Regragui xây dựng một tập thể ổn định, phòng ngự chắc chắn và phản công hiệu quả. Trong bộ khung ấy, Hakimi là mắt xích không thể thay thế.
Ở World Cup 2022, Hakimi như một chú sư tử mạnh mẽ bên cánh phải. Anh chuyền bóng nhiều nhất đội hình Maroc và phát động tấn công nhiều hơn bất kỳ đồng đội nào.
Sau khi cùng Maroc giành ngôi đầu bảng F một cách xuất sắc, đứng trên Croatia và Bỉ, Hakimi tiếp tục dẫn dắt "bầy sư tử Atlas" làm nên lịch sử khi vào tứ kết World Cup. Chính anh đá quả luân lưu quyết định thắng Tây Ban Nha 3-0 ở vòng 1/8.
Lịch sử mà Hakimi trải qua càng khiến người Tây Ban Nha tiếc nuối. Bởi vì, Luis Enrique không có lựa chọn chất lượng nào để tin tưởng, buộc phải dùng Marcos Llorente - vốn là một tiền vệ trung tâm - cho vị trí tiền vệ phải.
Xem ngay lịch thi đấu World Cup 2022 mới nhất tại đây!