Theo trình báo, trưa 9/7, Đ đang ở nhà nhận được cuộc gọi lạ. Đầu dây bên kia xưng là tổng đài báo số điện thoại của ông sẽ bị khóa 2 chiều trong 2 giờ nữa. Ông Đ lo lắng nên làm theo hướng dẫn thì được một người xưng là tổng đài viên nói số điện thoại của ông Đ bị một đối tượng lấy đăng ký để đi lừa đảo. Người này nói nếu ông Đ muốn tìm hiểu thì để tổng đài nối máy cho phía Công an. Ông Đ đồng ý.
Một người xưng là điều tra viên - Công an TP Đà Nẵng cho ông Đ hay ông Đ liên quan đên chuyên rửa tiền và buôn bán ma túy. “Điều tra viên” này còn cho biết, ông Đ có mở một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng, yêu cầu ông Đ đem CCCD lên Công an TP Đà Nẵng làm việc.
Ông Đ lúc này hoang mang cho biết không thể đi được, “điều tra viên” này nói sẽ tạo điều kiện để ông Đ làm việc qua điện thoại. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ chụp hình CCCD, cung cấp số tài khoản, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng… gửi qua Zalo để “Công an kiểm tra, xác minh”.
Sau khi gửi hình CCCD, ông Đ nhận được 1 đường link, họ yêu cầu ông Đ bấm vào đường link rồi làm theo hướng dẫn. Vì không rành công nghệ ông Đ đã làm theo. Trong lúc làm theo hướng dẫn ông Đ nghe thấy đầu dây bên kia nhiều người trao đổi về trường hợp của ông nên ông Đ càng tin mình bị lấy cắp thông tin CCCD để lập tài khoản dính dáng đến đường dây rửa tiền.
“Điều tra viên” hướng dẫn ông Đ cài internet banking rồi hướng dẫn ông các thao tác truy cập vào tài khoản này. “Điều tra viên” còn đe dọa ông Đ không được nói với gia đình hay bất kỳ ai về việc bị “Công an xác minh” bởi… vụ án đang trong quá trình điều tra. “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ đi thuê khách sạn ở một mình để làm việc qua điện thoại được thuận tiện.
Tiếp theo đó, “Điều tra viên” yêu cầu ông Đ chuyển tiền vào chính tài khoản mang tên ông mà “Điều tra viên” vừa hướng dẫn cài đặt để kiểm chứng. Họ nói nếu như ông không liên quan đến vụ án sẽ hoàn lại tiền. Thấy tiền của mình chuyển vào tài khoản “của mình” nên ông Đ cũng có phần yên tâm nên chuyển tiền tiết kiệm và tiền trong tài khoản vào tài khoản “của mình” để “Cơ quan điều tra” kiểm tra.
Các đối tượng tiếp tục kêu ông Đ chuyển tiền vào tài khoản, ông Đ nói hết tiền thì “Điều tra viên” hỏi “vợ ông còn tiền không?”, ông Đ đã nói dối vợ để lấy 300 triệu chuyển vào tài khoản “của mình”.
Mặc dù đã chuyển tiền nhiều lần nhưng “Cơ quan điều tra” vẫn liên tục dọa là ông Đ đã bán tài khoản cho một tổ chức rửa tiền với giá 500 triệu, các đối tượng yêu cầu ông Đ chuyển tiếp 500 triệu vào để các đối tượng này kiểm tra, chứng minh trong sạch.
Lúc này ông Đ mới nghi ngờ mình bị lừa đảo nên ngày 3/8, ông Đ ra Công an quận 12 trình báo. Tuy nhiên lúc này ông Đ đã tổng cộng chuyển cho các đối tượng lừa đảo hơn 1,8 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng, các trang mạng xã hội xảy ra nhiều gây thiệt hại lớn về tài sản cho nhân dân và ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Mặc dù cơ quan chức năng và truyền thông liên tục cảnh báo, tuy nhiên nhiều người vẫn nhẹ dạ và dính bẫy các đối tượng.
Vì thế khi nhận các cuộc gọi lừa đảo như trên, người dân nên bình tĩnh, kiểm chứng thông qua các kênh truyền thông, báo chí, thông báo cuộc gọi với người nhà để cùng nhau xử lý và báo ngay với Công an để có hướng dẫn để ngăn chặn kịp thời, tránh chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo bằng hình thức công nghệ cao.
(Theo Công An Nhân Dân)