Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp nhận 11 đơn trình báo của người dân liên quan đến việc con, em mình bị lừa đưa sang Campuchia làm việc trái phép.
Bị lừa sang xứ chùa tháp bắt làm nghề 'lừa đảo'
Theo thông tin mà lực lượng chức năng cung cấp, chúng tôi tìm gặp anh P.Đ.Th. (trú phường An Cựu, TP. Huế và là anh trai của một nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc). Ánh mắt đượm buồn, anh Th. cho biết, em trai anh tên P.Đ.T trong thời gian làm công nhân tại một công ty chuyên sản xuất hộp đóng giày ở quận Tân Bình (TP.HCM) thì có một người đàn ông lạ mặt đến gặp và nói, ở Hà Nội có một công ty đang cần lao động, thu nhập sẽ gấp đôi so với chỗ làm hiện tại.
Tin lời người đàn ông lạ mặt cộng thêm mong muốn có một công việc nhẹ nhàng, lương cao để phụ giúp gia đình ở quê nên P.Đ.T đồng ý theo người đàn ông lạ mặt này ra Hà Nội.
Sau gần 3 ngày di chuyển, anh T. được đưa đến một nơi được gọi là “công ty”. Tại đây, T. được giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau khoảng 1 tháng bị buộc tham gia đường dây lừa đảo, môi giới khách hàng để hưởng hoa hồng, T. dò hỏi thì mới tá hỏa vì nơi anh đang ở không phải Hà Nội mà là trên đất Campuchia. Khi biết công việc các đối tượng ép mình làm là lừa đảo, vi phạm pháp luật, anh T. van xin những kẻ trong công ty để được về Việt Nam thì chúng yêu cầu: "Nếu muốn về phải gọi điện cho người thân bảo chuyển khoản ít nhất 90 triệu đồng qua số tài khoản của một ngân hàng, chủ tài khoản là T.P.N."
Những kẻ trong đường dây lừa đảo nói với em trai của anh P.Đ.Th rằng, lúc nào tiền gửi đến tài khoản sẽ cho T. ra khỏi cổng công ty và tự tìm đường về Việt Nam. Lo sợ T. gặp chuyện không hay trên đất người nên anh Th. vay mượn khắp nơi được 100 triệu đồng và gửi vào tài khoản T.P.N. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, tiền đã chuyển nhưng em trai của anh Th. vẫn chưa về đến Việt Nam.
Tương tự, giữa tháng 6/2022, người thân của anh L.H.Q. (SN 2003, trú tổ 8, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng phải chuyển 160 triệu đồng thì con trai họ mới được các đối tượng thả cho về Việt Nam sau hơn 1 tháng sống lay lắt trên đất Campuchia.
Được biết, trước đó, thông qua mạng xã hội, Q. nhận được thông báo tuyển lao động sang Campuchia với mức lương 800 USD/tháng. Theo lời người tuyển dụng, công việc rất nhàn, không cần kinh nghiệm, chỉ cần biết sử dụng máy tính.
Sau khi qua Campuchia, Q. được những người nước ngoài giao chỉ tiêu lập các tài khoản mạng xã hội, giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên, nhân viên các sàn đầu tư tài chính... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu chống đối thì sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bị chích điện.
Do không hoàn thành chỉ tiêu, không câu kéo được khách hàng mới nên Q. bị phạt. Mặc dù Q. nhiều lần van xin các đối tượng cho về Việt Nam nhưng không được, các đối tượng này yêu cầu gia đình Q. phải nộp đủ 160 triệu đồng mới cho Q. về Việt Nam.
Đến giờ, anh T. (trú TP Huế - một nạn nhân bị lừa sang Campuchia và mới về được Việt Nam) vẫn còn chưa hết ám ảnh về quãng thời gian bị lừa sang Campuchia làm việc. Anh kể, thông qua mạng xã hội Facebook, anh biết ở Campuchia có tuyển lao động là người Việt Nam làm việc tại các Casino, tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng… với mức lương khoảng 1.000 USD/tháng nên đã đăng ký để đi lao động.
“Bên xứ người chúng tôi làm việc tại các cơ sở do người nước ngoài làm chủ ở Campuchia và không được giao tiếp với bên ngoài, với gia đình hay người thân. Nếu người lao động làm việc không vừa ý chủ thì sẽ bị đánh hoặc bán đi một công ty khác với giá cao. Muốn trở về Việt Nam thì phải liên lạc với gia đình để nộp tiền chuộc đến 200 triệu đồng”, anh T. chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh T. Nhiều nạn nhân khác ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi bị những kẻ lừa đảo đưa sang Campuchia đã bị ép buộc lao động dưới các hình thức, chịu sự đánh đập, hành hạ nhưng không thể xin nghỉ việc hoặc bỏ trốn.
Chị Phan T.Đ.T. (trú ở TP Huế, chị gái của một nạn nhân bị lừa sang Campuchia) cho biết thêm, do tin lời quảng cáo trên Facebook nên em trai chị T bị lừa đưa sang Campuchia theo đường biển và bị nhốt trong tòa nhà biệt lập. Ngoài em trai chị còn có rất nhiều nạn nhân khác là người Việt Nam.
Mỗi ngày, các nạn nhân phải làm việc liên tục từ 15 đến 16 tiếng/ngày, bị quản lý Công ty đánh đập. Sau hơn 1 tháng, em trai chị T không chịu được nữa xin nghỉ việc thì công ty yêu cầu phải trả hơn 90 triệu đồng gọi là tiền chi phí và bồi thường hợp đồng lao động. Không còn cách nào khác, em trai chị T liên lạc về gia đình để xin chuyển tiền sang Campuchia chuộc người.
Chị T.Đ.T chia sẻ: "Em tôi được đưa sang Campuchia bằng đường biển, thời gian di chuyển mất khoảng 2 ngày. Qua tới nơi em được cho nghỉ ngơi một ngày và đến ngày thứ 2 thì được cho đi làm việc trong công ty. Đến ngày thứ 3 em bị bán sang một khu khác nghe nói là bắt làm game, ngồi máy tính thôi nhưng phải lừa khách tạo tài khoản để vào chơi. Một ngày được giao phải lừa 2 - 3 người khách gì đó với một số tiền nhất định. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì bị nhốt lại, đánh đập".
'Sập bẫy' dễ tìm người 'giăng bẫy' khó
Một cán bộ công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, tính đến thời điểm hiện tại có 11 trường hợp là công dân địa phương có đơn trình báo việc bị những kẻ môi giới lừa đảo, lôi kéo xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép, trong đó, mới có 3 trường hợp bị lừa được về nước.
Tuy nhiên, vị cán bộ công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, đây mới là số người bị lừa có đơn thư gửi đến cơ quan công an và thực tế con số người sập bẫy lừa mang tên "sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao" có thể sẽ còn cao hơn.
Một cán bộ công an ở Thừa Thiên - Huế trực tiếp tham gia phá án chia sẻ, thủ đoạn của những kẻ lừa đảo, lôi kéo, tổ chức đưa người sang Campuchia lao động trái phép là chúng đều dùng sim rác và những tài khoản ảo trên mạng xã hội để làm công cụ lừa đảo. Do đó, việc truy xuất, tìm ra tung tích của những kẻ này là rất khó khăn.
Vị cán bộ này chia sẻ, việc tìm ra những kẻ giăng bẫy lừa thì khó mà việc những nạn nhân sập bẫy lại khá dễ. Chỉ cần lên mạng internet nhập từ khóa “việc làm Campuchia”, trong khoảng thời gian rất ngắn, nhiều hội nhóm xuất hiện với những lời mời chào về mức thu nhập ổn định hơn 20 triệu/tháng, không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy, công việc nhẹ nhàng, visa chính ngạch, cùng nhiều cam kết hấp dẫn khác...
Tin vào lời dẫn dụ “việc nhẹ, lương cao”, không cần xác minh, nhiều thanh niên trốn gia đình, liên lạc với các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội để rồi bị đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều cách đưa họ vượt biên sang Campuchia; thậm chí nhiều kẻ lừa đảo còn sẵn sàng ứng trước tiền công để dụ dỗ người lao động.
Thượng tá Phan Gia Năm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua công tác nghiệp vụ và qua thông tin từ đơn thư tố giác của gia đình người bị hại, đơn vị tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp để xác minh, điều tra làm rõ những đối tượng đưa người Việt Nam sang Campuchia.
Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng ở Campuchia tìm cách đưa các nạn nhân trở về Việt Nam an toàn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh bị sập bẫy lừa “việc nhẹ lương cao”.
"Mong muốn tìm kiếm việc làm ổn định để mưu sinh là ước muốn chính đáng của người lao động; tuy nhiên mỗi người dân cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ các thông tin về nơi thuê lao động, liên hệ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới xuất khẩu lao động đã được Nhà nước cấp phép để được hướng dẫn cụ thể… để tránh sập bẫy lừa đảo việc nhẹ, lương cao để rồi tiền mất tật mang", lãnh đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế nhắn nhủ.
Theo VTC