Sự kiện “Sống” Khai hội diễn ra tại Thừa Thiên - Huế, tầng 1 Hội làng nghề diễn ra các buổi trò chuyện về nặn tò he, sáng tạo từ len, xếp giấy origami... cùng trải nghiệm trò chơi dân gian.
Tầng 2 Hội chợ phiên là nơi trải nghiệm sản phẩm địa phương còn tầng 3 đưa khán giả đến không gian văn hóa Lục bộ và trình diễn sản phẩm thủ công truyền thống như làm diều, nhang trầm, nón lá, lồng đèn...
Tầng cuối cùng Hội nghệ thuật, BTC kết hợp Trường Đại học Nghệ thuật Huế thực hiện triển lãm Bóng thời gian trưng bày các tác phẩm thuộc nhiều loại hình như hội họa, điêu khắc, gốm sứ... lấy cảm hứng từ dấu ấn thời gian trên vạn vật, lột tả vẻ đẹp hoài cổ.
Một số hình ảnh trong "Sống" Khai hội.
BTC mong muốn khán giả được trải nghiệm trọn vẹn nhu cầu văn hóa, nghệ thuật từ ăn uống, làm việc, giải trí đến thưởng thức cuộc sống tại “Sống” Khai hội.
Cha con nghệ nhân Kim Đình Quyến và Kim Đình Thức chia sẻ về nghề hoa giấy, hoa gỗ Thanh Tiên: "Làm hoa giấy không khó nhưng công phu, tôi từng nghĩ chỉ người già mới làm nên hay lo sợ nghề bị mai một. Hôm nay chứng kiến rất nhiều người trẻ yêu thích, thử làm hoa giấy, lòng tôi rất vui mừng".
Nghệ nhân Phan Nữ Phước Hồng - phụ trách không gian workshop làm bánh pháp lam - chung cảm xúc, cảm thấy có thể đứng cả ngày để chia sẻ, lan truyền tình yêu đối với món bánh Huế này đến khán giả.
Mặt nạ tuồng Việt Nam khác hoàn toàn Trung Quốc
Talkshow Họa sắc tuồng Huế thuộc khuôn khổ sự kiện “Sống” Khai hội có sự góp mặt của NSƯT La Thanh Hùng. Ông theo nghề hơn 50 năm, là con trai nghệ nhân tuồng cung đình cuối cùng của triều Nguyễn - NSƯT La Cháu; em trai nguyên Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, NSND La Cẩm Vân.
Theo đó, tuồng (trước đây gọi là hát bội, hát bộ) là một trong loại hình nghệ thuật sân khấu đầu tiên tại Việt Nam, cụ thể là thời Lý. Tuồng và chèo xuất phát từ dân gian, gắn liền với sân đình thời phong kiến. Đến thời Trần, nghệ thuật tuồng phát triển thêm nhánh phục vụ cung đình.
Năm 1627, Đào Duy Từ lần đầu mang nghệ thuật tuồng về cho chúa Nguyễn, đặt nền móng cho bộ môn. Sau này, tuồng đạt tới đỉnh cao, được các vua yêu thích, cho soạn vở, dành nhiều ưu đãi và mở trường đào tạo. Một trong những người có công lớn phát triển bộ môn này là Đào Tấn - cháu đời thứ 9 của Đào Duy Từ.
Tuồng trong cung đình phục vụ chế độ cầm quyền, ca ngợi tam cương ngũ thường, trung quân ái quốc; còn ngoài dân gian phản ánh cuộc sống muôn màu của con người, xã hội. Sau này, khi chế độ quân chủ chấm dứt, tuồng có thêm mảng nội dung lịch sử. Đến nay, bộ môn có tên gọi thống nhất là nghệ thuật hát tuồng.
Theo NSƯT La Thanh Hùng, nhiều người cho rằng mặt nạ tuồng Việt Nam giống Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Campuchia nhưng thực tế hoàn toàn khác biệt.
Cụ thể, mặt nạ tuồng Việt Nam dùng 3 màu chủ đạo đỏ, đen và trắng mốc còn kinh kịch Trung Quốc sử dụng nhiều màu pha như lục, tím, xanh dương, nâu, vàng chanh, vàng đất…
Trong đó, màu đen tượng trưng cho sự mạnh mẽ, bền bỉ, cứng rắn; đỏ là đức tính trung thực, nghĩa khí, thẳng thắn; còn trắng mốc là vai phản phúc, bội bạc. Từ những màu chủ đạo, các nghệ sĩ dân gian khéo léo pha trộn, tạo thành nhiều màu mới tương ứng với những kiểu tính cách nhân vật khác nhau.
Ngoài ra, đường nét mặt nạ tuồng Việt Nam được vẽ nhỏ, mềm mại còn Trung Quốc chuộng nét to, rộng, thiếu độ uyển chuyển.