Hết loạt đạn này đến loạt đạn khác dội xuống khẩu đội tên lửa của Nga đang ẩn giấu trong ngọn hải đăng trên Đảo Rắn ở Biển Đen, cách bờ biển Ukraine khoảng 35km. Đoạn video do quân đội Ukraine công bố hồi tháng 4 cho thấy cuộc tấn công và hậu quả của nó, tất cả đều được thực hiện từ một chiếc UAV Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế.
Các vụ tấn công bằng UAV Bayraktar TB2 trong video tuyên truyền của Ukraine. Nguồn: The Guardian
Cho đến lúc đó, bằng chứng về TB2, mẫu UAV sát thủ được điều khiển từ xa với tầm bay lên tới gần 306km, hầu như đã biến mất khỏi cuộc xung đột. Có giả thuyết cho rằng khoảng 20 chiếc UAV mà Ukraine mua từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn hạ và Ankara, vì không muốn làm mất lòng Nga, đã từ chối cung cấp thêm cho Kiev.
Tuy nhiên, cuộc chiến giành quyền kiểm soát Đảo Rắn ám chỉ bối cảnh đã thay đổi. Một ngày sau, thêm một video khác về TB2, kèm theo âm nhạc đặc trưng của chiến dịch tuyên truyền của Ukraine cho thấy cho thấy một tàu đổ bộ của Nga bị phá hủy. Sang ngày tiếp theo, một máy bay trực thăng Mi-8 bị bắn rơi khi binh lính Nga đang xuất kích.
Chuyên gia phân tích hàng không Amelia Smith phát hiện, một trong những video của Ukraine về UAV cho thấy mẫu máy bay không người lái này có đăng ký mới là T253, chưa từng xuất hiện ở quốc gia Đông Âu trước đây. Máy bay được ghi nhận đang trong quá trình thử nghiệm vào cuối tháng 3 ở quanh cơ sở thử nghiệm của nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ, ám chỉ mẫu này mới được chuyển giao, có lẽ thuộc lô hàng mới.
Một tuần sau, Nga tuyên bố đã bắn hạ 9 máy bay TB2, có giá khoảng 1 - 2 triệu USD/chiếc, cùng một số UAV khác trong trận chiến giành Đảo Rắn. Mặc dù rất khó xác minh những tuyên bố này nhưng giữa hai bên vẫn xảy ra giao tranh nhằm giành quyền kiểm soát hòn đảo.
Theo báo Guardian, những chiếc TB2 rõ ràng có hiệu quả về mặt quân sự và cho các mục đích tuyên truyền của Kiev. Song, rõ ràng là chúng không mang tính quyết định về mặt quân sự. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố hồi tháng 4: “Với tất cả sự tôn trọng dành cho Bayraktar và bất kỳ khí tài nào khác, tôi sẽ nói thẳng với các bạn rằng, đây là một cuộc chiến khác”.
Cuộc xung đột kéo dài suốt 11 tuần qua, trong đó quân Nga đã bị đình trệ bước tiến sau khi chiếm được phần lớn bờ biển phía nam và một số phần phía đông của nước láng giềng, hầu như đã trở thành trận chiến giữa các xe tăng và pháo binh. Trong đó, cả hai bên đã sử dụng hỏa lực hạng nặng và thường không có dẫn đường khi tranh chấp quyền kiểm soát lãnh thổ.
Điều đó không có nghĩa là các UAV không còn liên quan. Tuy nhiên, nó phản ánh phần nào thực tế rằng, đối với cả hai bên, các UAV vũ trang lớn hơn như mẫu TB2 của Ukraine và mẫu tương đương gần nhất của Nga - UAV Orion đã không xuất hiện với số lượng lớn và một khi bị loại bỏ sẽ không dễ thay thế.
Sam Bendett, chuyên gia về UAV thuộc Trung tâm Phân tích hải quân Mỹ nhận định, quân đội Ukraine đã tận dụng việc Nga không kiểm soát toàn bộ không phận và không có các hệ thống phòng thủ bằng tác chiến điện tử bền bỉ, để thực hiện "một số cuộc tấn công rất chính xác và đáng kể”. Song, ông cho rằng, các lực lượng Kiev cần làm như vậy trên quy mô lớn hơn nhiều.
Nga biết cần phải chống lại TB2 từ cuộc chiến năm 2020 giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, khi Azerbaijan sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ để hạ gục xe tăng Armenia và giành được lợi thế quyết định trên chiến trường.
Theo Douglas Barrie, nhà phân tích hàng không vũ trụ tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Moscow từ lâu đã tụt hậu trong công nghệ UAV. “Nga đang phải chơi trò đuổi bắt. Họ đã không đầu tư vào lĩnh vực này kể từ đầu những năm 1990 và cũng không đầu tư trên diện rộng", ông Barrie giải thích.
Moscow bắt đầu triển khai UAV chiến đấu Orion ở Ukraine vào tháng 3, nhưng sau đó gần như ngay lập tức có báo cáo về một chiếc đã bị bắn hạ. “Họ bước vào cuộc chiến với nguồn cung hạn chế, hệ quả của những quyết định được đưa ra từ nhiều năm trước. Họ có lẽ chỉ sở hữu 20 - 30 chiếc Orion, thay vì số lượng lớn hơn", ông Bendett lưu ý.
Ukraine gần như đã không lãng phí cơ hội trong việc cố gắng chứng minh sự yếu kém của UAV từ Nga. Họ cho đăng tải các video quay cảnh tháo rời một UAV do thám Orlan 10 bị bắn rơi, hé lộ máy bay được trang bị một máy ảnh Canon DSLR thông thường với các nút bấm được dán vào vị trí và các bộ phận của bình nhiên liệu là của một chai nước, kể cả phần nắp vặn trên cùng.
Người Ukraine kết luận trong video rằng, “không có bộ phận nguyên bản nào” được sản xuất tại Nga và chi phí thực sự để sản xuất một chiếc UAV này ước tính chỉ 3.000 USD thay vì 80.000 - 120.000 USD như con số công bố chính thức. Đó có thể là một ước tính hợp lý, nhưng trên thực tế, ngay cả mẫu TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải dựa vào các thành phần sẵn có để giảm chi phí và tăng tốc độ sản xuất.
Do cuộc chiến ngày càng trở nên tiêu hao và các UAV có vũ trang đã bị loại dần khỏi bầu trời nên hai bên tham chiến cần thêm các máy bay không người lái mới. Mỹ đã đồng ý cung cấp cho Ukraine ít nhất 700 chiếc UAV sử dụng một lần (kamikaze) Switchblade 300 và Switchblade 600, với tầm bay từ 9,5 - 40km, chở theo đạn dược và gây ảnh hưởng đáng sợ đến mục tiêu.
Những chiếc Switchblade đã bắt đầu đến tiền tuyến. Một video công bố cách đây một tuần của Ukraine cho thấy một vụ oanh kích cứ điểm của quân Nga từ trên cao và tiếp đó là cảnh những binh sĩ chạy trốn trong hoảng loạn. Song, dù số lượng máy bay không người lái kamikaze có vẻ nhiều, nhưng kho dự trữ có thể nhanh chóng cạn kiệt khi chiến tranh kéo dài.
Giáo sư Peter Lee, một chuyên gia về UAV tại Đại học Portsmouth quả quyết, trong một cuộc chiến mà không bên nào có quyền kiểm soát trên không, việc sử dụng UAV đáng kể nhất là nhằm "thu thập thông tin tình báo và nhận diện tình huống như những gì máy bay được sử dụng lần đầu tiên cách đây 100 năm".
Hình ảnh do UAV ghi lại cảnh đoàn xe tăng Nga bị tập kích ở ngoại ô Kiev, Ukraine. Nguồn: The Guardian
Mỗi bên đều sử dụng rất nhiều UAV đơn giản, bán sẵn trên thị trường để trinh sát, với các video thường xuyên được công bố rộng rãi, chẳng hạn như đoạn phim đã biên tập về cảnh một đoàn xe bọc thép của Nga bị phục kích ở Brovary, phía đông Kiev hồi tháng 3. Các cảnh quay của UAV về những vụ pháo kích, tấn công vào các xe bọc thép và những cuộc đụng độ khác đã trở thành một đặc điểm của cuộc chiến.
Chính nhu cầu đối với các UAV được trang bị camera đơn giản đã khiến DJI, nhà sản xuất lớn nhất thế giới của Trung Quốc, hồi tháng 4 quyết định ngưng bán UAV dễ sử dụng cho cả Ukraine và Nga, dù không rõ liệu lệnh cấm có ảnh hưởng lớn nào hay không. Một chuyên gia ước tính, Kiev đang vận hành khoảng 6.000 chiếc UAV trên chiến trường.
"UAV không phải là công nghệ để giành chiến thắng trong chiến tranh. Nhưng chúng là công nghệ hỗ trợ chiến tranh và những gì chúng ta thấy là Ukraine phản ứng theo cách nhanh hơn và linh hoạt hơn”, ông Lee nhấn mạnh.
Tuấn Anh