Bệnh nhi là N.T.A (2018, Hà Nội) vừa được các bác sĩ khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phẫu thuật bàn tay.
Theo thông tin từ người nhà, khi đang ép hoa quả, gia đình không để ý, vô tình T.A cho tay vào máy xay và bị cuốn vào.
TS.BS Nguyễn Quang Vịnh, khoa Phẫu thuật Chi trên và Vi phẫu thuật, cho biết, bệnh nhi vào viện do bị máy nghiền hoa quả nghiền vào bàn tay phải. Sau tai nạn, T.A bị đứt gần rời ngón 2 tay phải (ngón 2 tay phải chỉ còn dính lại gân gấp), phần ngón đứt gần rời trắng bệch do không được cấp máu.
Các bác sĩ phải kết lại xương, khâu nối gân duỗi, nối thần kinh và đặc biệt là phải nối lại mạch máu (gồm các động mạch và tĩnh mạch) để cung cấp lại máu cho ngón tay. Do kích thước mạch máu ở trẻ em rất nhỏ, tổn thương lại do máy nghiền, bầm dập nhiều nên việc nối lại ngón tay cho bệnh nhi rất khó khăn.
“Ngoài ra vấn đề gây mê để phẫu thuật kéo dài, việc dùng thuốc chống đông sau phẫu thuật, chăm sóc, thay băng sau mổ... cũng là những khó khăn chúng tôi phải lưu tâm trước khi tiến hành phẫu thuật”, TS.BS Nguyễn Quang Vịnh cho biết.
Sau phẫu thuật, vết thương của bệnh nhân đã khô, ngón tay 2 hồng hào trở lại. Theo các bác sĩ, mỗi ngày, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật của bệnh viện tiếp nhận hàng chục ca tai nạn sinh hoạt như cho tay vào máy xay hoa quả hay máy xay thịt, cá, máy tời vải, máy giặt, hay do tai nạn lao động… Các bệnh nhân đều gặp những tổn thương phức tạp do bị nghiền nát, phần lớn không cứu được toàn vẹn bàn tay.
Bác sĩ Vịnh khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn, thương tích. Do đó, người dân cần cẩn trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Nếu không may gặp tai nạn, gia đình cần sơ cứu nạn nhân và nhanh chóng đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.