- Là một người đạt được nhiều thành công trong việc dẫn các bản tin tài chính, theo chị cái khó của một người dẫn dắt các bản tin tài chính là gì?
Để là một người dẫn chương trình chuyên nghiệp có các tiêu chí chung như hình thức, lối dẫn dắt và sự dày dặn trong chuyên môn, lĩnh vực mà bạn theo dõi đưa tin. Còn dấu ấn được tạo ra như thế nào là do nét riêng có của bạn. Và đối với các chương trình tài chính cũng vậy, bạn cần có kiến thức chuyên sâu hơn về kinh tế, tài chính và độ nghiêm túc cao hơn.
Ngoài sự am hiểu các kiến thức vĩ mô chung nếu đó là chương trình chuyên về thị trường chứng khoán, bạn sẽ cần phải nghiên cứu sâu hơn về thị trường, về tài chính doanh nghiệp… đặc biệt là đối với các chương trình talk với khách là các chuyên gia tài chính, bạn cần phải hiểu họ nói gì để đối đáp lại và từ đó có được thông tin thiết thực nhất cho khán giả.
Sau một thời gian lên sóng, Talk show Phố Tài chính nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Cụ thể chương trình này có rất nhiều khách mời 'khủng', đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích, là host cũng như người tổ chức, dẫn dắt chương trình, chị tạo sự kết nối giữa họ với các nhà đầu tư như thế nào?
Thật tuyệt vời khi rating chương trình tăng dần đều và đến với hàng triệu khán giả, cũng như được đón nhận những phản hồi tích cực từ phía khán giả. Đó là niềm hạnh phúc của tôi và những người thực hiện chương trình nhưng cũng là động lực để chúng tôi phấn đấu có thêm những chương trình chất lượng và có ích cho cộng đồng tài chính, chứng khoán nói riêng và xã hội nói chung.
Đúng là chương trình đã có sự tham gia của rất nhiều các chuyên gia lâu năm, giàu kinh nghiệm trong ngành tài chính, họ đều là những người có từ trên 10 đến hơn 20 năm kinh nghiệm, bởi họ cần trải qua những thăng trầm của thị trường thì mới có thể chia sẻ những thông tin chất lượng cho nhà đầu tư. Họ cũng là những lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư hay công ty chứng khoán hàng đầu thị trường và cả các lãnh đạo quản lý nhà nước trong ngành tài chính. Dù bận công việc nhưng họ vẫn sẵn sàng đến trường quay để talk và chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm và các định hướng quản lý cho cộng đồng đầu tư, thì đó là điều trân quý.
Còn phía chương trình, chúng tôi luôn quan sát, lắng nghe và học hỏi từ nhiều phía để tìm ra những chủ đề đang sát sườn, được quan tâm nhất và hữu ích cho thị trường. Bản chất là tất cả các khách mời cũng đều mong muốn có thể đóng góp những điều thiết thực và tốt đẹp cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Và chương trình được thực hiện cũng đang hướng đến những mục tiêu như vậy, nên tôi nghĩ đó chính là sự kết nối chính. Ngoài ra, tôi cũng đã theo dõi lĩnh vực này nhiều năm và cũng đã làm việc nhiều với các khách mời, đã tạo được sự tin tưởng lâu năm, nên đó cũng là điều thuận lợi.
Đồng thời khi bạn nắm rõ kiến thức bạn mới có thể diễn giải lại một cách dễ hiểu và gần gũi hơn cho khán giả. Thực ra, người làm tài chính sẽ nhanh chóng nhận ra một người dẫn chương trình có kiến thức chuyên ngành hay không khi họ giao tiếp với bạn. Còn vô vàn những kiến thức nữa, tuy nhiên về cơ bản là bạn chịu khó vừa làm vừa học hỏi, trau dồi qua năm tháng là có thể làm được.
- Một nữ BTV Mùi Khánh Ly của hiện tại khác Mùi Khánh Ly của hơn 14 năm trước như thế nào?
Tôi có sự tiến bộ nhiều hơn về mặt chuyên môn, từ một cô phóng viên mới vào nghề sau đó trở thành biên tập viên, người dẫn chương trình rồi tổ chức sản xuất, người viết format và dẫn dắt một chương trình… Về chất lượng chương trình tôi đảm nhận, nếu như trước đây, chúng tôi làm một chương trình phải mất mấy năm mới đạt được mức rating cao, thì với Phố Tài chính chỉ mất hơn hai tháng là có một mức rating cao và tăng dần đều đến thời điểm này.
Tôi cũng nhận được nhiều lời khen hơn từ mọi người. Tuy nhiên tôi vẫn luôn tự nhắc nhở bản thân tránh rơi vào “cái bẫy tự mãn”, phải luôn trau dồi, học hỏi những điều hay, những người giỏi hơn mình để bản thân không ngừng tiến bộ.
- Chị có lời khuyên nào cho những bạn trẻ muốn theo đuổi con đường trở thành MC, host những bản tin tài chính, tiền tệ?
Vào thời điểm cách đây mười mấy năm tôi đã chọn theo đuổi làm phóng viên theo dõi mảng kinh tế, tài chính từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, lúc đó tôi đang học chuyên ngành báo chí. Tôi nhận thấy mảng này, nếu theo đuổi sẽ phải tiếp tục học sâu hơn kiến thức về kinh tế, tài chính, sẽ khó hơn và mất thêm thời gian để tích lũy kinh nhiệm nhưng đổi lại có nhiều cơ hội hơn khi ra trường, và nó cũng phù hợp với tính cách ưa thử thách của tôi. Và tôi đã đúng, kể cả cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang rất thiếu nhân lực cho mảng này. Thế nên, nếu các bạn muốn có cơ hội nhiều hơn và không ngại khó có thể thử sức từ bây giờ, càng sớm càng tốt để tiến bộ nhanh hơn.
Bạn có thể học hỏi thêm thông qua việc tham gia các khóa học về kinh tế, tài chính, đọc sách, hoặc vừa làm vừa học hỏi từ những người đi trước, hay trải nghiệm thật để có kinh nghiệm thực tế… có rất nhiều cách để bạn tiến bộ và cơ hội còn nhiều. Ngoài ra, nếu bạn thông thạo tiếng Anh cũng sẽ là một lợi thế. Thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán mới trải qua hơn 20 năm so, nếu so với các thị trường ở các nước phát triển là mấy trăm năm thì rõ ràng mảng này còn rất nhiều cơ hội cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn thế hệ gen Z năng động và sáng tạo.
Chồng con là ‘những người bạn’ thân thiết
- Chị luôn chỉn chu, kỹ tính và đòi hỏi sự hoàn hảo khi lên sóng, ngoài đời thì sao?
Không ai hoàn hảo trên đời này nên tiêu chí hoàn hảo có lẽ sẽ chẳng thể đạt tới (cười). Nhưng luôn chỉn chu, kỹ tính để có được sự xuất hiện tốt nhất có thể khi lên sóng đúng là có. Quan điểm của tôi về sự chỉn chu và cái đẹp là sẽ phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, chứ không cứ phải lúc nào cũng y một phong cách. Ví dụ như khi lên hình trong chương trình về tài chính phong cách trang điểm và trang phục sẽ phải trang trọng và có phần đứng tuổi hơn… còn ở ngoài đời tôi lại hay diện những bộ cánh trẻ trung hơn. Mọi người khi gặp tôi bên ngoài thường nói tôi trông trẻ hơn trên hình, có lẽ là do tính chất công việc nên có một chút khác biệt như vậy.
- Nhìn chị có lẽ nhiều người ao ước bởi chị thành công trong công việc, có một gia đình hạnh phúc, nhưng những nốt trầm trong công cuộc xây dựng, bồi đắp nên những điều đó là gì?
Tôi nghĩ bây giờ quan điểm về hạnh phúc của mọi người cũng đã khác nhiều. Hạnh phúc đôi khi đơn giản là bạn được làm những thứ bạn thích, con cái khỏe mạnh là đủ… nên mọi người sẽ tự biết cách tận hưởng cuộc sống của mình theo một cách riêng. Ngoài ra, tôi nghĩ còn có rất nhiều cặp gia đình hạnh phúc, con cái tài giỏi khác nhưng họ không nói ra hoặc không thể hiện ra thôi.
Trong cuộc sống mỗi con người, mỗi gia đình đều có câu chuyện và cách giải quyết vấn đề riêng. Còn trong gia đình tôi thường khi có vấn đề gì mọi người đều nhanh chóng chia sẻ thẳng thắn với nhau và tìm kiếm giải pháp để giải quyết vấn đề phù hợp nhất, chứ không để câu chuyện kéo dài sẽ càng khó giải quyết và gây ra những ảnh hưởng không đáng có. Kể cả con gái tôi tuy tuổi còn nhỏ nhưng cũng được đưa ra ý kiến riêng của mình và bố mẹ đều phải lắng nghe và đưa ra cách giải quyết phù hợp với con. Chính vì điều đó mà chồng tôi hay con tôi cũng đều là những người bạn thân thiết của tôi.
- Chị thường xuyên nhắc tới con gái như một niềm tự hào mà ít khi nhắc tới ông xã, anh ấy động viên, hỗ trợ chị như thế nào để chị có thể chuyên tâm cho công việc?
Như tôi đã nói ở trên là chồng và con gái cũng là người bạn thân thiết của tôi nên tôi luôn tự hào về cả hai người. Việc anh ấy ít xuất hiện là do ngày trước anh ý không mấy khi dùng mạng xã hội, sau này gia đình thấy việc ít xuất hiện cũng có cái hay là vẫn có sự riêng tư nhất định nên chúng tôi quyết định để như vậy. Còn anh ấy dù ít xuất hiện nhưng lại là người luôn ở bên động viên tôi trong mọi hoàn cảnh, giúp tôi thêm vững vàng và có thêm nhiều năng lượng trong công việc cũng như trong cuộc sống gia đình.
Hàn Triệt