Không chỉ là một MC quen mặt trong các chương trình giáo dục trên sóng VTV, như Tư vấn tuyển sinh, Câu chuyện giáo dục (VTV2), Khuyến học - Hành trình tri thức (VTV1)… MC Vân Anh cũng là một người gắn bó với công tác đào tạo suốt 10 năm qua, giúp nhiều bạn trẻ tự tin nói trước đám đông và tin vào giá trị của mình.
Chia sẻ về cơ duyên trở thành cô giáo, MC Vân Anh cho biết “đó là việc rất tình cờ”. Sau vài năm đi dẫn, Vân Anh nhận được lời mời từ một số trung tâm kỹ năng mềm tham gia giảng dạy các nội dung của khóa MC dành cho người lớn và trẻ em.
“Lúc đầu tôi chỉ đi với tâm thế chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của bản thân trong quá trình làm nghề tới học viên, nhưng càng đứng lớp, gặp gỡ và thấy được sự tiến bộ, thành công của các bạn khi vượt qua nỗi sợ đám đông, tôi càng yêu công việc giảng dạy và quyết định sẽ gắn bó lâu dài chứ không chỉ cưỡi ngựa xem hoa”.
10 năm làm giảng dạy, MC Vân Anh cho biết có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó, điều làm cô xúc động là khi dạy các bạn khiếm thị.
“Học trò khiếm thị thường tự ti về bản thân, rất nhút nhát. Nhưng sau quá trình giảng dạy, học trò khiếm thị của tôi không chỉ nói tốt trước mọi người, mà nhiều bạn đã xuất hiện trên sóng truyền hình với vai trò MC. Hơn thế, những học trò đó đã truyền bài học cho các bạn khác trong cộng đồng của mình kinh nghiệm được học từ tôi. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động vì họ có công việc nuôi sống bản thân và lan tỏa lối sống tích cực tới những người yếu thế”, MC Vân Anh chia sẻ.
Nữ MC cho hay, trên lớp thường được học trò gọi bằng chị chứ không phải cô. “Năm cuối đại học tôi đã đi dạy, vì vậy khi đến lớp thấy các bạn chỉ nhỏ hơn mình một vài tuổi, có nhiều học viên còn lớn hơn nên mọi người thường gọi chị, tôi hay xưng tên. Điều đó thành thói quen, giúp tôi gần gũi hơn với học viên. Đây là dạy ở các trung tâm kỹ năng, còn khi thỉnh giảng tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, tôi thường xưng cô”, Vân Anh bày tỏ.
Xuất thân làm MC, sau đó bén duyên với nghề giáo, Vân Anh cho biết quá trình giảng dạy đã bổ trợ cho công việc làm MC rất nhiều.
“Ngày mới vào nghề, tôi dẫn nhiều khi theo bản năng. Cũng may quan sát và cảm nhận của mình khá tốt để nắm bắt và làm chủ được các chương trình. Nhưng khi đi dạy, tôi không thể nói với học viên: "Chị làm được vì cảm thấy thế là đúng, là bản năng mách bảo được" mà phải tìm tòi, nghiên cứu, chiêm nghiệm để hệ thống hóa thành phương pháp, tức là trả lời cho các câu hỏi 'Vì sao'.
Tôi luôn quan niệm muốn đào tạo, không chỉ làm tốt công việc của mình mà cần kỹ năng sư phạm. Bởi vậy bản thân luôn học hỏi và trau dồi. Tôi cũng xây dựng kênh YouTube và TikTok để chia sẻ và giúp các bạn ôn tập về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, MC. Chính từ quá trình giảng dạy, tôi thấy mình dẫn chắc chắn hơn, có chiều sâu, tư duy sắc bén”, cô bày tỏ.
Cô kể, những ngày mới đi dạy, đa số đứng lớp trước học sinh, sinh viên hoặc các bạn nhỏ, tâm lý khá thoải mái. Nhưng sau đó, khi đào tạo cho doanh nghiệp lớn, ngồi phía dưới là nhiều anh chị lãnh đạo hơn mình cả tuổi đời, trải nghiệm, vốn sống, đã có kỹ năng và kinh nghiệm nhất định khi đứng trước đám đông, cô thấy khá áp lực.
Vân Anh dành thời gian để tìm hiểu về văn hóa công ty, làm khảo sát, hỏi thông tin về các anh chị tham gia học để hiểu rõ vấn đề, mong muốn của mọi người. Sau đó lên phương án, lộ trình đào tạo phù hợp, đảm bảo vừa có những cách ứng dụng dễ hiểu, dễ rèn luyện, phù hợp với tính chất công việc, nhưng phải đi vào bản chất để người học cảm nhận rõ vì sao cần làm như vậy. Và sau mỗi dự án, thấy được sự hào hứng của mọi người trong mỗi buổi học, sự thay đổi sau khóa học, cô thở phào, hạnh phúc và càng tin hơn vào công việc đang làm.
Điều lớn nhất Vân Anh có được sau 10 năm gắn bó với nghề giáo là tình cảm của các học viên. Cô vẫn lưu giữ tất cả quà tặng, tấm thiệp và cả lưu bút mà họ viết cho mình. “Đọc lại, lần nào tôi cũng rưng rưng”, Vân Anh chia sẻ.