Hơn nửa tháng nay, T. T. T. T. (16 tuổi, quê Bình Phước) sống trong lo lắng, căng thẳng vì chưa được nhận con trai về. Em bé sơ sinh bị cô bỏ rơi vào tối 28/7 trước cổng một quán cà phê tại phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM, khi mới 5 ngày tuổi.
Nhận được trình báo từ chủ quán là chị V., UBND phường Tân Phú đã tiếp nhận đứa trẻ. Nhưng do con quá nhỏ nên UBND phường đã làm thủ tục rồi gửi vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình để được chăm sóc.
Hối hận vì bỏ rơi con, một ngày sau T. quay lại quán chị V. hỏi thăm, biết con trai đã được đón đi, cô mới lên phường trình bày. Sau khi làm các giấy tờ, thủ tục theo hướng dẫn của UBND phường nhưng đã nửa tháng vẫn chưa được gặp con, cô gái trẻ sốt ruột, cầu cứu khắp nơi, mong được “chỉ cách”.
Phóng viên VietNamNet đã có mặt tại quán cà phê của chị V. để tìm hiểu câu chuyện.
Ý định bỏ con từ khi mới có bầu
T. ngồi trước mặt chúng tôi. Ở tuổi 16 nhưng nét mặt thiếu sức sống. Chiếc áo ngủ đã bị sữa chảy loang dài, ố màu. Tiếp chuyện cùng T. còn có chị V.
T. cho biết, trong vài lần theo bạn bè sang Campuchia chơi, sau khi say xỉn thì xảy ra quan hệ nên không biết cha đứa trẻ là ai. Cô chỉ phát hiện mang bầu khi đã được 3 tháng, cái thai đã thành hình, không nỡ bỏ.
Trong thời gian mang bầu, T. vẫn đi làm để dành dụm tiền cho kỳ sinh nở. Trong khoảng thời gian đó, có vài lần T. cùng bạn tới quán cà phê của chị V., nghe được thông tin vợ chồng chị V. đang mong con nên cô nảy ý định sinh ra sẽ để lại cho họ nuôi.
Thời điểm T. sinh con, gom góp hết tiền tiết kiệm và người quen cho cũng chỉ được 8 triệu đồng, cô phải bán điện thoại mới đủ tiền viện phí và trang trải trước mắt. Ngay khi xuất viện, tối 28/7, T. mang con đến trước cổng quán cà phê của vợ chồng chị V. rồi về nơi ở tại Đồng Nai.
T. cho biết: “Mọi người thấy em về mà không thấy bé nên hỏi thăm. Khi biết chuyện thì khuyên em đón con về. Thêm nữa, sau vài ngày chăm sóc bé, em cũng thương và nhớ con. Hôm sau em quay lại thì bé đã được bên phường Tân Phú đưa vào trung tâm nuôi dưỡng. Họ bảo em làm giấy tờ gì thì em làm, cũng xét nghiệm ADN rồi nhưng đến nay vẫn chưa được nhận con”.
Thông tin từ chị V., ngay sau khi phát hiện có đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng quán cà phê của mình, chị đã báo cáo chính quyền địa phương, đồng thời bày tỏ mong muốn được nhận nuôi đứa trẻ có duyên này. Tuy nhiên, gia đình chị bị từ chối vì từ quê khác về đây lập nghiệp. Nơi họ đang kinh doanh chỉ là địa điểm thuê lại của người ta, có khả năng di chuyển nay đây mai đó, sẽ khó chăm sóc tốt đứa trẻ.
Suốt nửa tháng từ khi T. quay lại tìm, cô vẫn chưa được gặp con. Mỗi lần xin vào thăm bé đều bị đơn vị nuôi dưỡng từ chối vì không thể cho người lạ vào.
Vết trượt từ việc không được yêu thương
T. chia sẻ với VietNamNet, cô là con út trong gia đình có 3 anh chị em ở Bình Phước. Cha mẹ ly hôn từ khi cô còn nhỏ. Mẹ cô là người mê cờ bạc, nhậu nhẹt, cha lại có những mối quan hệ riêng nên mạnh ai nấy sống.
Lúc trước, anh chị em T. sống với bà ngoại. Năm 2018 bà ngoại mất, không ai về ở với cha hoặc mẹ. Hiện tại, anh trai cả của T. đang ở trong trại cai nghiện ma túy, còn chị gái đã xuất khẩu lao động sang Đài Loan.
“Trước khi có bầu, em đã gây lộn với gia đình rồi. Đến khi biết em mang thai, không rõ cha đứa bé, cả nhà đã từ mặt em”, T. nói.
Không được yêu thương, T. chỉ học đến lớp 1 rồi vào đời mưu sinh từ khi mới 12 tuổi. Công việc lao động tay chân, có khi thì ở tiệm bánh mì, khi thì phục vụ quán nhậu, sau này chuyển sang làm pha chế ở quán cà phê.
T. nói, lúc trước ở quê, vì hoàn cảnh gia đình, lại không học hành đến nơi đến chốn nên cô không có bạn bè. Chỉ đến lúc rời quê vào Đồng Nai làm thuê mới có bạn. Vài lần, cô theo bạn bè sang Campuchia chơi, trong lúc say xỉn thì xảy ra quan hệ, không biết cha đứa trẻ là ai.
Điều đáng nói, thông tin trong giấy xuất viện của T. tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, đây là lần sinh mổ thứ 2, cách lần thứ nhất chỉ 10 tháng. T. giãi bày, lần mang bầu trước đó, cô bị thai lưu.
Với điều kiện hiện tại, T. dự định khi nhận lại con sẽ phải nương nhờ vợ chồng chị V. một thời gian, đợi khi đứa trẻ cứng cáp hơn cô sẽ kiếm việc làm để nuôi con.
“Người thân của em đã từ mặt, không ai thương, giờ em chỉ còn lại con thôi”, T. tâm sự.
“Chúng tôi sẽ trả bé về với mẹ nhưng phải đợi làm đúng quy trình, thủ tục”
Ông Đinh Hữu Tuyến, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình xác nhận, ngày 29/7, UBND phường Tân Phú có gửi công văn hỗ trợ khẩn cấp một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi. Khi được đưa vào, con nặng 2,5kg. Đến nay, sức khỏe của con ổn định.
Sau khi biết thông tin có mẹ của bé tìm nhận, phía trung tâm đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thủ tục, chỉ chờ công văn ngừng hỗ trợ khẩn cấp theo đúng quy trình là sẽ trả bé về UBND phường Tân Phú để phường bàn giao cho mẹ.
Phản hồi về việc người mẹ không được vào thăm con, đại diện Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình cho biết, trung tâm không từ chối người ngoài vào thăm các bé. Tuy nhiên, đối với bé trai sinh ngày 24/7/2024 được phường Tân Phú gửi đến, con còn quá nhỏ, thậm chí chưa rụng rốn, việc một người phụ nữ tự nhận là mẹ của bé muốn đến thăm và tiếp xúc gần thì cần phải có giấy giới thiệu của phường, trung tâm sẵn sàng hỗ trợ.
Phóng viên VietNamNet đã liên hệ đến UBND phường Tân Phú nhưng nhiều lần bị hoãn lại, sau đó thông báo sẽ trả lời bằng văn bản.
Trao đổi về trường hợp của mẹ con T., bà Đoàn Thị Tú Linh, Phó Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Thủ Đức nhấn mạnh: “Quyền lợi của một đứa trẻ là được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất – là tình thương.
Hiện tại, qua xét nghiệm ADN đã xác định được họ là mẹ con. Trên cơ sở người nhà thống nhất nhận lại trẻ thì chúng tôi sẽ trả lại bé, tuy nhiên, phải làm đúng quy trình, thủ tục pháp lý chứ không phải muốn trả là trả ngay được. Thêm vào đó, mẹ bé chưa đủ 18 tuổi nên chúng tôi cũng phải xem xét thêm các điều khoản khác nữa”.
Hiện tại, bà Linh đang nghỉ phép để xử lý việc gia đình, dự kiến ngày 20/8 sẽ có câu trả lời cụ thể.