Nếu nói chồng tôi có điểm gì khiến tôi không thích thì có lẽ đó là tính anh hơi chặt chẽ, chi li về tiền bạc. Nhưng như anh nói "anh có tính toán chi li thì cũng là để tiết kiệm, để lo toan cho gia đình". Nhiều người cũng bảo tôi rằng lấy chồng chỉ sợ gặp phải người làm ít tiêu nhiều, tiêu xài hoang phí.
Nhưng cũng chính vì tính anh như vậy nên mỗi lần lễ tết cần mua quà cáp biếu hai bên nội ngoại quả là một vấn đề. Anh luôn có lý do để giảm nhẹ số tiền đi. Kiểu: "Bố mẹ cần tình cảm là chính chứ có phải biếu nhiều tiền là thương bố mẹ nhiều đâu". Hay mừng cưới anh chị em trong nhà, anh đều không muốn mừng nhiều với lý do tiền bạc không phải là thứ để đong đếm tình cảm.
Hiểu tính chồng, tôi cũng không bao giờ bàn cãi với anh về chuyện chi tiêu tiền bạc. Đôi khi để "đẹp mặt" với hai bên họ hàng, tôi giấu anh bỏ thêm tiền vào biếu bố mẹ hai bên hay phong bì hiếu, hỉ. Chuyện này nếu để chồng biết thế nào anh cũng sẽ kêu ca phàn nàn cho rằng tôi thích thể hiện, hay sĩ diện hão.
Một lần bố tôi đi xe máy ngã bị tụ máu não cần phẫu thuật. Bố mẹ tôi không có nhiều tiền để dành, vậy nên anh trai đứng ra lo lắng mọi chi phí. Anh bảo anh là con trai cả, anh có trách nhiệm phải lo cho bố. Thế nhưng chẳng lẽ vì tôi là con gái nên không cần có trách nhiệm? Tôi cũng muốn góp một phần, nhưng lại ngại ngần khi nói với chồng.
Mặc dù tài chính trong nhà do tôi cầm, nhưng tiền có bao nhiêu anh đều cập nhật và nắm được hết. Thậm chí anh còn làm hẳn một trang trên máy tính chỉ để ghi chi tiết mỗi tháng để dành được bao nhiêu, đầu tư khoản gì hết bao nhiêu? Nếu hao hụt đi một hai triệu thì không sao, nhưng một hai chục triệu thì lại là chuyện khác.
Mẹ chồng tôi có lẽ là người hiểu rõ nhất tính cách anh ấy. Vậy nên vài hôm trước, mẹ đến nhà tôi chơi một ngày, hỏi tình hình bố tôi ra sao và nhờ tôi chở bà đến bệnh viện thăm thông gia.
Trong lúc nấu cơm, mẹ chồng nói: "Ca phẫu thuật chắc cũng tốn không ít tiền, con xem lo được cho ông bà được chừng nào hay chừng ấy. Làm con cái, không báo hiếu lúc này thì còn chờ lúc nào?".
Tôi cũng thú thật với mẹ chồng, không phải tôi không nghĩ, nhưng chồng tôi thì bà biết rồi, anh ấy bỏ ra một đồng cho việc gì cũng cân nhắc trước sau nên tôi đang hơi ngại. Mẹ chồng nghe xong liền hỏi:
- Con không có quỹ đen à?
- Con không. Nhà có mỗi hai vợ chồng, chi tiêu gì cũng là cho gia đình, quỹ đen quỹ đỏ làm gì hả mẹ?
- Ôi, làm đàn bà, may mắn gặp phải người chồng hào phóng thoải mái muốn tiêu tiền kiểu gì tùy ý thì chả nói làm gì. Nhưng chẳng may gặp phải người ki bo kẹt sỉ như bố chồng con và chồng con thì phải có "quỹ đen" để có những việc mình cần dùng đến tiền mà không cần chồng phải biết. Như lúc bố con đau ốm thế kia, nếu con có "quỹ đen" thì đã chẳng phải nghĩ ngợi gì rồi đúng không nào. Nghe mẹ, phải để dành riêng cho mình một khoản, cần gì thì mua, cần gì thì tiêu. Mẹ thấy việc đó cũng chả có gì xấu, chẳng qua chồng thế nào thì vợ mới phải "dùng chiêu", chồng mà thoải mái thì ai hơi đâu cất giấu tiền riêng làm gì cho mệt.
Khi nghe mẹ chồng nói vậy tôi vô cùng bất ngờ. Tôi vẫn biết mẹ chồng xưa nay đối với tôi rất dễ tính, nhưng đến mức khuyên con dâu nên lập quỹ đen để cho nhà ngoại thì đúng là chuyện lạ.
Nhưng rồi càng nghĩ càng thấy mẹ chồng nói đúng. Bố chồng tôi cũng thuộc kiểu đàn ông "đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành", thậm chí tài chính trong nhà do ông cầm trịch thế nhưng tôi thấy mẹ chồng chẳng bao giờ bị túng quẫn vì tiền bạc. Mẹ nói: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Sống với kiểu người nào thì phải tìm cách thích ứng với kiểu người ấy, làm sao cho mình thoải mái nhất".
Lâu nay tôi vẫn hay nghe người ta bàn tán chuyện vợ chồng có quỹ đen quỹ đỏ, lòng thầm nghĩ "đã vợ chồng rồi còn phải giấu giếm nhau kiểu đó thì sống mệt lắm", nhưng đúng là bạn sống như thế nào còn tùy thuộc vào việc bạn sống với ai. Và nếu vợ chồng có thế này thế kia thì là vì chuyện gì cũng có nguyên do của nó.
Theo Dân trí