Do có mức độ rủi ro được đánh giá là nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng, một lô thịt gà, cổ, cánh, chân gà,... đông lạnh của Ba Lan tại thị trường Việt Nam.
Tại hội nghị Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới ngày 27/4, ông Bùi Ðức Huyên, Tổng Giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, cho biết, người tiêu dùng Việt Nam thích ăn đùi gà hơn lườn gà, trong khi giá trị dinh dưỡng của lườn gà cao gấp 3 lần đùi gà. Bởi vậy, đùi gà nhập khẩu giá rẻ có chỗ đứng trên thị trường Việt.
"Một đơn vị cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội chia sẻ với tôi rằng, một tháng họ nhập về 200 tấn đùi gà, nhưng chỉ mua của CP 20 tấn đùi gà tươi", ông Huyên nói.
Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, 2 năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới gần 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%.
Cụ thể, năm 2021 nhập khẩu các sản phẩm gia cầm 225.000 tấn; năm 2022 nhập 246.575 tấn sản phẩm đã qua giết mổ và gà sống nhập về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8%; từ đầu năm 2023 đến nay nhập gần 51.000 tấn.
Theo đó, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều nhất năm 2022 với số lượng 100.441 tấn. Tiếp đến là lượng chân gà với 43.695 tấn, thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn, thịt gà xay 25.671 tấn, cánh gà 22.628 tấn, các loại gà khác là 10.832 tấn.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tiệp VIPA, cho biết, những con số trên được thống kê từ nguồn nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, còn lượng sản phẩm gia cầm tương ứng nhập tiểu ngạch qua biên giới vào nước ta. Ông ước tính, lượng gà nhập khẩu chiếm khoảng 25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.
"Đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi tổng cầu giảm còn tổng cung lại tăng mạnh", ông nhìn nhận.
Theo ông Sơn, chúng ta không nên quá dễ dãi trong việc cấp phép nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi. Trong khi, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
"Ngay cả doanh nghiệp lớn như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu đông lạnh giá rẻ", ông Sơn nói.
Lãnh đạo VIPA cũng tiết lộ, đang có thông tin gà đẻ thải loại "đi bộ" từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam với giá rất rẻ. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, gà đẻ thải loại nguyên con qua đường tiểu ngạch. Chưa kể, sản phẩm gà đẻ loại chặt cổ, chặt cánh của Hàn Quốc cũng vào nước ta rất nhiều.
Ở nước ngoài, họ không ăn các sản phẩm này, nhưng nhiều người tiêu dùng Việt lại rất thích vì thịt gà dai giòn.
Đáng nói, các sản phẩm gia cầm nhập khẩu có giá rất rẻ nên sản phẩm nội không thể cạnh tranh nổi. Ông kiến nghị, cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh.
"Suốt từ năm 2022 đến nay, người chăn nuôi phải bán gà thịt dưới giá thành, chịu thua lỗ nặng", ông chia sẻ.
Theo đó, quý I/2022, người chăn nuôi gà ta chịu lỗ 3.100 đồng/kg khi xuất chuồng, đến quý III lại lỗ hơn 7.000 đồng/kg, quý IV lỗ 12.300 đồng/kg.
Sang tháng 1/2023, người chăn nuôi gà ta tiếp tục lỗ 7.000 đồng/kg thì đến tháng 4 lỗ 12.600 đồng/kg.
"Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa đang phải giảm quy mô đàn gia cầm bởi giá bán thấp quá, càng sản xuất càng lỗ. Trong khi, thị trường chưa có tín hiệu nào khởi sắc, chăn nuôi gia cầm sẽ ảm đạm đến hết năm 2023", ông Sơn lo ngại.