"Khoảng 2 tuần trước, mình không thể tin được bản thân có thể chinh phục đỉnh núi cao gần 3.000m. Ngay trước chuyến đi, mình vẫn hoang mang về khả năng của bản thân", chị Hà My (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ. Vợ chồng chị My vừa trở về sau hành trình chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San. Đây là lần đầu tiên, người mẹ hai con tham gia leo núi đường dài.
Nhìu Cồ San trong tiếng dân tộc H'Mông có nghĩa là "sừng trâu". Ngọn núi nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách Sa Pa khoảng 60 km. Nằm ở độ cao 2.965 m so với mực nước biển, Nhìu Cồ San trở thành điểm đến thu hút du khách nhờ vẻ đẹp hoang sơ cùng hệ thực vật phong phú. Tới đây, du khách có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về địa hình khi di chuyển từ chân núi lên đỉnh.
Mỗi mùa, Nhìu Cồ San có vẻ đẹp riêng. Vào tháng 11, 12, du khách tới đỉnh Nhìu Cồ San có thể bắt gặp những cây phong lá đỏ, lá vàng rực rỡ. Tháng 1, khi thời tiết sang đông, du khách có thể bắt gặp tuyết phủ. Mùa xuân - tháng 3,4 nơi này lại nổi tiếng với sắc hoa đỗ quyên.
Gia đình chị My đam mê du lịch từ lâu nhưng chủ yếu là đi nghỉ dưỡng, cắm trại. "Ông xã mình yêu thích các hoạt động leo núi, trekking nhưng mình thì chưa từng có kinh nghiệm. Trước đây, mình thậm chí ít vận động. Khoảng 6 tháng nay mới tập luyện thể thao để cải thiện sức khỏe, sức bền", chị My thành thực tâm sự.
Sau nhiều lần ông xã động viên và thuyết phục, cuối tháng 10, chị Hà My quyết định lên đường chinh phục Nhìu Cồ San, thử thách sức khỏe bản thân.
Ngày đầu tiên, vợ chồng chị My di chuyển từ Hà Nội lên Sa Pa bằng xe khách. Họ có mặt tại đây vào lúc 15h chiều, nghỉ ngơi, ăn tối và nghỉ đêm. 7h30 sáng hôm sau, porter (người bản địa hỗ trợ khuân vác, dẫn đường) đón hai vợ chồng di chuyển đến bản Nhìu Cồ San - nơi bắt đầu điểm leo núi. Di chuyển từ Sa Pa đến điểm này mất khoảng 2 tiếng.
11h trưa, vợ chồng chị My bắt đầu hành trình chinh phục ngọn núi cao thứ 9 ở Việt Nam. Hành trình chinh phục Nhìu Cồ San thường đi qua thác Ong Chúa về đường bãi thả dê hoặc ngược lại. Nếu chọn đi thác Ong Chúa sẽ có nhiều cây cối lớn che bóng mát và nhiều suối thác dễ tìm được chỗ nghỉ chân. Trong khi đó, đường bãi thả dê không quá dốc và đa phần là cây bụi, cỏ thấp, không có suối thác nên ngày nắng nóng đi sẽ mất sức hơn.
Khoảng 16h chiều, cặp đôi đến lán dừng nghỉ. Nơi đây có diện tích cho khoảng 60 - 70 người nghỉ cùng lúc. Thường xuyên đi cắm trại ở núi rừng nên vợ chồng chị My không xa lạ với việc "ngủ bên rừng, ăn ven suối". Thế nhưng, đây là lần đầu tiên chị ngủ ở khu vực rừng núi cao như vậy. Ban đêm, nhiệt độ hạ rất thấp. Nhiệt độ về đêm và sáng sớm ở Nhìu Cồ San tháng 11, 12 dao động từ 2 - 10 độ C, khách đi leo núi cần mặc đồ thật ấm.
"Ở lán nghỉ có thể điều kiện sinh hoạt không tiện nghi nhưng người dân dọn dẹp rất sạch sẽ, chuẩn bị sẵn nước nóng, tổ chức nướng thịt, đốt lửa... ", chị My cho biết.
4h30, cặp đôi dậy sớm để tiếp tục hành trình lên đỉnh núi. Tuy không kịp đón bình minh trên đỉnh Nhìu Cồ San nhưng đôi vợ chồng lại may mắn bắt gặp biển mây trên đường di chuyển. "Bạn porter nói Nhìu Cồ San là điểm khó săn mây hơn các nơi khác nên hai vợ chồng mình thực sự rất may mắn. Chứng kiến khung cảnh biển mây khổng lồ trước mắt, mình thậm chí tưởng đây là cảnh trong mơ", chị My hạnh phúc nhớ lại.
Sau khi chứng kiến biển mây, cặp đôi mê mẩn ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên mà không hay biết thời điểm tới đỉnh núi là khi nào. "Mình chỉ nhớ 14h thì xuống tới chân núi. Đây là lần đầu tiên mình được xuyên qua khu rừng nguyên sinh, như lạc bước vào khung cảnh trong phim ảnh với suối, thác nước, hoa và lá đỏ", chị My cho biết.
Khi xuống núi, do đoạn đường quá dốc, ngón chân liên tục chạm mạnh vào mũi giày, chị My bị đau nhẹ. Chị phải chuyển sang sử dụng dép tổ ong để hạn chế va chạm. "Có nhiều lúc mình mệt phờ, đuối sức nhưng ông xã và porter liên tục động viên. Thêm vào đó, càng đi, khung cảnh càng đẹp khiến mình thêm động lực", chị My nói.
Theo chị, du khách cần trang bị đầy đủ quần dài, áo dài tay (hoặc áo khoác mỏng chống thấm nước), áo phông, áo khoác dày (dùng giữ ấm khi ngủ qua đêm ở lán), giày leo núi,... và các vật dụng cá nhân cần thiết khác như kính, mũ, đèn pin, kem chống côn trùng, thuốc thang,... Lần đầu leo núi, du khách nên thuê porter riêng để tránh lạc đường và được hỗ trợ tận tình nhất.
Hiện, chi phí chinh phục Nhìu Cồ San trong 2 ngày 1 đêm dao động từ 1,5 triệu - 2,5 triệu đồng/người.