Trên trang facebook cá nhân, bà bầu Kim Ngân - thành viên của diễn đàn "Chúng ta chọn Organic" đã chia sẻ kinh nghiệm giúp chị em hạn chế được ẩm mốc trong bếp khi trời nồm.
Chị Kim Ngân cho biết:
1. Với thớt gỗ, đặc biệt không phải thớt gỗ nghiến, sau khi dùng xong, cần phải rửa sạch, dội nước sôi hoặc xát muối, hoặc lau ít giấm và hong khô gần bếp.
2. Khăn lau bếp
Trong bếp nhà mình có tới dăm bảy loại khăn lau. Cái để lau mặt bếp và đáy nồi cho khô trước khi nấu, cái lau vòi, chậu, cái lau bục bếp với máy hút mùi, kính, cái lau tay, cái lau bát... mình chuẩn bị sẵn mỗi loại hai cái để thay định kỳ khi giặt không khô hoặc đổi cái mới.
Ảnh minh họa |
Đối với giẻ rửa bát và khăn lau mặt đá, lau mặt bếp sau nấu và chậu rửa: Phải thay ngay khi cũ (tối đa 2 tháng). Bởi, đây là ổ êm ấm để bọn khuẩn trú ngụ. Sau khi xong, cho chúng vào luộc lên rồi mang phơi. Chúng sẽ giữ được độ bền và đảm bảo không lo khuẩn mốc.
3. Máy giặt:
Có nhiều cách vệ sinh lồng máy, nhưng cách làm hàng ngày của nhà mình là sau khi giặt hoặc sấy xong, mình dùng khăn lau khô cửa và vành cao su bọc miệng cửa để tránh mốc. Khăn lau này cũng nên được ngâm giấm hay nước sôi và phơi khô.
Định kỳ nên tổng vệ sinh cho máy với giấm.
4. Lò nướng
Tốt nhất sau khi dùng thì vệ sinh ngay để hạn chế cáu bẩn do thức ăn bám dính. Rút điện, dùng khăn ấm với giấm lau sạch. Nếu để lâu ta phải dùng baking soda và giấm để vệ sinh.
5. Cống thoát nước
Tiết kiệm nước là cần thiết. Nhưng mặt trái của nó là đôi khi không rửa trôi hết những vật sót hay bám ở ống, nhất là với ống thoát nước ở chậu rửa bát, rửa mặt.
Nhiều người gợi ý là dùng nước sôi để làm sạch khu vực này. Tuy nhiên, có những chậu rửa có nắp van bằng cao su nên việc giội nước sôi thường xuyên có thể gây giãn gioăng và hở chậu. Nhà mình chỉ dùng nước ấm già với muối, giấm để dội hàng ngày. Ngoài ra, mình vẫn phải định kỳ dùng bột thông cống để giữ vệ sinh đường ống.
6. Chắn tường và quanh bếp nấu
Việc nấu nướng của người Việt Nam dùng khá nhiều dầu, mắm, mỡ nên trong quá trình nấu những mùi và hạt dầu mắm bắn lên quanh bếp và tường bếp.
Để hạn chế việc làm bẩn tường và phải lau bếp nhiều lần với hóa chất, dùng một miếng bìa carton hay giấy báo hoặc nilon để chắn tường và quanh bếp. Dùng xong vài lần bỏ đi. Việc này đỡ hại sức khỏe hơn cho bà bầu vì không phải với tay và dùng hóa chất lại không lo bếp bị ẩm mốc.
Tóm lại, luôn làm vệ sinh căn bếp và giữ nó thông thoáng, ngăn nắp, không mùi thức ăn đọng lại và không có nước đọng thì sẽ hạn chế tối đa nấm mốc. Đặc biệt, đừng để cây cảnh hay chậu nước trong bếp nhất là mùa nồm.
Minh Anh
(Nguồn facebook Ngân Kim)