Theo nguồn tin của Thời báo Phố Wall, Meta sẽ bắt đầu mặc định mã hóa toàn bộ tin nhắn trên Facebook trong tuần này.
Thay đổi dự kiến hoàn tất trong vài tuần. Tin nhắn trực tiếp trên Instagram cũng sẽ được mã hóa tự động nhưng muộn hơn, khoảng đầu năm 2024.
Điều này đồng nghĩa người dùng Facebook và Instagram không còn phải bật tính năng mã hóa. Tin nhắn chỉ có thể đọc được bởi người gửi và người nhận.
Dù nhà hành pháp và các tổ chức khác đã bày tỏ lo ngại, nhiều nhà vận động quyền riêng tư lại thúc đẩy các hãng công nghệ tích hợp mã hóa đầu cuối để bảo vệ tin nhắn riêng tư trước người ngoài, bao gồm tội phạm mạng, lừa đảo cũng như nhà hành pháp.
Từ lâu, CEO Meta Mark Zuckerberg đã đánh giá cao giá trị của mã hóa và Meta cũng là chủ sở hữu WhatsApp – nền tảng nhắn tin mã hóa lớn nhất thế giới.
Dù vậy, việc kết hợp công nghệ này với hai nền tảng lớn là Facebook và Instagram gặp khó cả ở kỹ thuật lẫn xã hội, buộc Meta phải kéo dài thời gian triển khai.
Khi lần đầu công bố kế hoạch năm 2019, Zuckerberg cho biết có những lo ngại an toàn thực sự cần giải quyết trước khi mã hóa đầu cuối trên mọi dịch vụ nhắn tin của công ty.
Người đứng đầu Meta thừa nhận công nghệ có thể bảo vệ “người đang làm điều xấu”. Song, ông cho rằng cần thay đổi vì người dùng xứng đáng có quyền riêng tư tuyệt đối khi liên lạc.
Những năm gần đây, ban lãnh đạo Meta chia sẻ đang làm mọi cách để giải quyết những lo ngại xoay quanh mã hóa.
Trong bài viết trên blog năm 2021, Antigone Davis, người đứng đầu bộ phận an toàn toàn cầu của Meta nói mục tiêu của hãng là cung cấp cho mọi người ứng dụng nhắn tin riêng tư an toàn nhất bằng cách bảo vệ mọi người không bị lạm dụng mà không làm suy yếu mã hóa.
Mã hóa đầu cuối là vấn đề gây tranh cãi giữa chính phủ và doanh nghiệp. Hồi tháng 9, Anh kêu gọi Meta không triển khai mã hóa trên Instagram và Facebook khi chưa có biện pháp an toàn để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ lạm dụng tình dục.
(Theo WSJ, Reuters)