Ngày 1/7, Liên minh châu Âu cáo buộc Meta vi phạm Đạo luật DMA do chính sách liên quan đến quảng cáo. Năm 2023, Meta giới thiệu mô hình đăng ký không có quảng cáo cho người dùng Facebook và Instagram tại châu Âu. Theo đó, người dùng trả khoản phí hằng tháng để tránh bị thu thập dữ liệu và sử dụng phiên bản không quảng cáo hoặc phải đồng ý chia sẻ dữ liệu cá nhân với nền tảng nhằm phục vụ quảng cáo nhắm mục tiêu để tiếp tục sử dụng dịch vụ miễn phí.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng cách tiếp cận này của Meta không có tác dụng. Theo các quan chức châu Âu, DMA không cấm Meta dùng dữ liệu cá nhân của người dùng vì mục đích quảng cáo nếu người dùng đó cho phép, hoặc cấm Meta thu phí. Dù vậy, Meta nên có một phiên bản miễn phí khác, sử dụng ít dữ liệu cá nhân hơn dành cho những người dùng không đồng ý chia sẻ dữ liệu.
Nếu các nhà quản lý EU xác định Meta vi phạm quy tắc cạnh tranh của khối, công ty mẹ Facebook có thể đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu, tương đương 13,5 tỷ USD và lên tới 20% nếu vi phạm nhiều lần.
"Chúng tôi mong muốn có cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn nữa với Ủy ban châu Âu để kết thúc cuộc điều tra này", một phát ngôn viên Meta nói.
Như vậy, Meta trở thành công ty thứ hai bị tố vi phạm Đạo luật DMA của EU sau Apple. Đạo luật này đặt ra các quy tắc mới cho một số hãng công nghệ lớn nhất thế giới và hỗ trợ các cơ quan quản lý giải quyết nhanh chóng các hành vi bị cho là phản cạnh tranh.
Tuần trước, EC cáo buộc Apple đã không tuân thủ Đạo luật DMA khi ngăn cấm các nhà phát triển ứng dụng hướng dẫn khách hàng mua hàng bằng các cách khác nhau.
Các cáo buộc, mà EU gọi là những phát hiện sơ bộ, không nhất thiết đồng nghĩa cuối cùng Meta sẽ bị phát hiện phạm luật. Meta sẽ có cơ hội kiểm tra và phản hồi chúng lên ủy ban. Ủy ban sẽ kết thúc cuộc điều tra Meta vào cuối tháng 3 năm sau.
(Theo WSJ)