Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa cho biết, từ nay đến 10/8, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C, riêng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cao hơn khoảng 0,1-0,5 độ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng tiếp tục xảy ra tại khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và có khả năng gia tăng về cường độ trong nửa cuối của thời kỳ dự báo.
Đáng lưu ý, khu vực Việt Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; các nơi khác thuộc khu vực Bắc Bộ ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Thời kỳ từ 11/7 - 10/8, trên phạm vi toàn quốc sẽ có nhiều ngày mưa rào và giông; trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng kéo dài khoảng 2-4 ngày; tiếp tục đề phòng các hiện tượng giông, lốc, sét, mưa đá.
Đặc biệt, từ nay đến đầu tháng 8, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão/áp thấp nhiệt đới và có thể ảnh hưởng đến khu vực đất liền.
Ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa giông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thời kỳ này tiếp tục xuất hiện nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Như vậy, theo các chuyên gia, chuỗi ngày kỉ lục không có bão ở Việt Nam vẫn đang ngày càng nới rộng, đến hôm nay là 635 ngày, từ 16/10/2022 (tính từ khi có các dữ liệu quan trắc đầy đủ). Cơn bão gần nhất đổ bộ Việt Nam là bão số 5 (Sơn Ca) ngày 15/10/2022. Từ đó đến nay, đã ghi nhận thêm 8 cơn bão trên biển Đông nhưng không có cơn bão nào đổ bộ nước ta, với 7/8 cơn bão đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc.
Ngày 11/7, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, rãnh áp thấp có trục Tây Bắc - Đông Nam vắt qua Bắc Bộ và khu vực giữa Biển Đông tiếp tục duy trì xu hướng dịch về phía Nam, ngày 13-14/7 khả năng hình thành xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực giữa - nam Biển Đông có khả năng mạnh lên và di chuyển lên theo hướng Tây Bắc.
Khoảng 19-20/7, khả năng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực phía Đông Philippines di chuyển vào Đông Bắc Biển đông và hoạt động mạnh lên, rãnh thấp vắt qua Trung và Nam Trung Bộ sau dịch dần lên phía Bắc. Gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh.
Như vậy, dự báo trong 1-2 ngày tới sẽ hình thành dải hội tụ nhiệt đới qua giữa Biển Đông, có thể nhiễu động. Nhiều mô hình quốc tế cũng nhận định các nhiễu động này có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới hoặc bão, gây gió mạnh, sóng lớn và cả mưa giông ở nhiều vùng biển trong những ngày tới.
Trước mắt, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 12-13/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 50-55%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất từ 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 55-60%.
Riêng khu vực Tây Bắc và Việt Bắc có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có nơi mưa to; các nơi khác ở Bắc và khu vực Trung Bộ chiều tối và đêm có mưa rào và giông vài nơi.
Tây Nguyên và Nam Bộ, chiều tối và đêm có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to; ngày có mưa rào và giông vài nơi.
Dự báo xa hơn, thời kỳ từ 13-21/7, cơ quan khí tượng nhận định, thời tiết Bắc Bộ từ khoảng đêm 13-16/7, có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; từ khoảng 15/7, nắng nóng kết thúc. Từ khoảng đêm 14-16/7, có khả năng xảy ra mưa lớn.
Thời kỳ này, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa liên tiếp, tập trung vào chiều và đêm, cục bộ có nơi mưa to đến rất to. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Ngày 11/7, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết xấu trên biển. Theo dự báo, đêm ngày 11-12/7, vùng biển từ Khánh Hoà đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Khoảng ngày 12-13/7, trên khu vực giữa Biển Đông, có khả năng hình thành dải hội tụ nhiệt đới, trên dải hội tụ nhiệt đới này có khả năng hình thành các nhiễu động nhiệt đới gây thời tiết xấu. Để chủ động ứng phó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển theo dõi dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn, mưa giông và thời tiết xấu trên biển. Thông báo cho các thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống. |