Theo SCMP, nhà phân tích Kuo Ming-chi đến từ hãng TF Securities International dự báo, Huawei có thể sẽ bán mảng kinh doanh smartphone của Honor để vượt qua nghịch cảnh hiện tại và các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Mặc dù vậy nhiều nhà phân tích khác lại hoài nghi về việc gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược đó.
Kuo cho rằng, nếu để thương hiệu Honor độc lập với Huawei, việc tìm kiếm nguồn cung ứng của họ sẽ không còn phải tuân theo lệnh cấm của Mỹ đối với Huawei. Và điều này giúp ích rất nhiều cho hoạt động kinh doanh smartphone của Honor và các nhà cung cấp. Động thái như vậy sẽ cho phép Honor, nhà sản xuất smartphone giá rẻ và là một phần trong chiến lược thương hiệu kép của Huawei có thể theo đuổi các model cao cấp và cạnh tranh tốt hơn với Xiaomi.
Nhà phân tích khẳng định: "Sự phát triển đó mang ý nghĩa đôi bên cùng có lợi, nhất là với thương hiệu Honor, các nhà cung cấp và cả ngành công nghiệp điện tử của Trung Quốc".
Được thành lập vào năm 2013, Honor có thể coi là "người hùng thầm lặng" giúp Huawei vượt qua Apple và Samsung Electronics về doanh số bán hàng trong và ngoài nước nhờ chiến lược bán ra những chiếc smartphone thời thượng nhưng sở hữu giá bán hấp dẫn, chỉ từ 150 USD đến 220 USD.
Nhưng giống như Huawei, Honor đang gián tiếp chịu tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei là một trong những hãng công nghệ chịu thiệt hại lớn do căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng. Công ty đã bị liệt vào danh sách đen thương mại của chính phủ Mỹ kể từ tháng 5/2019 và hiện đang phải vật lộn với các hạn chế ngày càng siết chặt hơn, bao gồm việc không thể tiếp cận nguồn cung chip.
Richard Yu Chengdong, CEO mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei cho biết, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ gây khó khăn cho công ty trong việc xuất xưởng smartphone dùng chip Kirin trong năm nay. Mảng kinh doanh tiêu dùng đã tạo ra doanh thu 36,5 tỷ USD cho Huawei trong nửa đầu năm nay.
Không ai dại mua Honor và Huawei vẫn còn nhiều lựa chọn khác để tự cứu lấy chính mình
Tuy nhiên, ngay cả khi Huawei bán bớt Honor cũng sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho công ty trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Bryan Ma, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu thiết bị khách hàng tại IDC cho biết: "Ngay cả khi Honor trở thành một doanh nghiệp riêng biệt, điều đó không đảm bảo Honor sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến thương mại sau này".
Theo Linda Sui, giám đốc nghiên cứu smartphone tại hãng phân tích Strategy Analytics tin rằng, sẽ không có công ty Trung Quốc nào mua Honor. Cô nhấn mạnh: "Đó là một củ khoai tây nóng. Nó sẽ tạo ra rắc rối lớn cho bất cứ ai tiếp quản nó".
IDC ước tính, Honor chiếm 28% tổng số smartphone xuất xưởng của Huawei trong nửa đầu năm nay. Trong khi Strategy Analytics khẳng định, Honor đã đóng góp tới 38% tổng doanh số smartphone trong cùng kỳ.
Nhà phân tích Kenny Liew đến từ Fitch Solutions cho biết: "Honor là một thương hiệu rất có uy tín trong phân khúc giá rẻ đến tầm trung và là chìa khóa để Huawei xâm nhập vào nhiều thị trường đang phát triển trên thế giới. Đồng thời, Honor tiếp tục dựa nhiều vào các kênh phân phối của Huawei, chuyên môn hóa thiết kế và khả năng sản xuất chip để sản xuất và bán sản phẩm của mình".
Thay vì bán Honor, Huawei vẫn còn có các lựa chọn khác để xem xét. Sui cho rằng, giải pháp khả thi nhất đối với Huawei lúc này là tăng cường nỗ lực cho dòng sản phẩm laptop, máy tính bảng và thiết bị đeo.
Trong khi chính sách của Mỹ có thể thay đổi dưới thời chính quyền mới ở Washington, Sui cho biết Huawei vẫn phải hoạt động theo các hạn chế thương mại hiện tại nhưng điều này đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của mảng kinh doanh smartphone.
Phát ngôn viên của Huawei hiện chưa đưa ra bình luận nào cho tới nay.
(Theo VnReview)
Mục tiêu của Huawei là 'sống sót' dưới áp lực của Mỹ
Huawei khẳng định chuỗi cung ứng của họ đang bị Mỹ tấn công và kêu gọi Washington cân nhắc lại các hạn chế thương mại đang gây tổn thương đối tác toàn cầu.