Sáng 21/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Lấy người bệnh làm trung tâm
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế…
Nhấn mạnh quan điểm, lấy người bệnh làm trung tâm, Bộ trưởng Y tế cho biết dư luận tiếp tục quan tâm đến việc thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh...
Thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban này đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, quy định mang tính nguyên tắc, căn cơ, có tính đột phá về tài chính y tế để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, cán bộ y tế; phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Về giá dịch vụ, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là dịch vụ đặc biệt, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ tại bệnh viện của Nhà nước, do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ và việc quản lý giá dịch đối với bệnh viện tư nhân.
Người dân chi trả nhiều tiền để khám chữa bệnh ở nước ngoài
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, hàng năm người dân chi trả rất nhiều tiền để đi khám chữa bệnh ở nước ngoài. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân khi đi Singapore, Nhật Bản để sử dụng dịch vụ y tế cho rằng, năng lực y khoa của y bác sĩ Việt Nam không thua kém, thậm chí còn hơn nhưng người dân vẫn đi ra nước ngoài vì điều kiện, trang thiết bị tốt hơn trong nước rất nhiều.
Từ đó, ông yêu cầu làm nổi bật quy định về khám chữa bệnh chuyên sâu, chất lượng cao để phát triển được các trung tâm khám chữa bệnh cao cấp và hướng đến dịch vụ kết hợp với khám chữa bệnh ở Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xem xét việc hệ thống y tế vừa qua của nước ta rất quá tải, trong khi y tế ngoài công lập hoạt động còn nhiều bất cập.
Vì vậy cần thể chế hóa, cụ thể hơn về chủ trương xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh, gắn với nâng cao hoạt động khám chữa bệnh, rà soát lại trong luật cũng chưa được rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế, giai đoạn vừa qua, ở nhiều quốc gia cũng như ở Việt Nam, hoạt động của đơn vị y tế công lập cũng bộc lộ nhiều “sai lầm”. Chẳng hạn như việc lạm dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao, đẩy giá dịch vụ khám chữa bệnh quá cao so với khả năng chi trả của đại đa số người dân. Việc này cũng khiến người bệnh đua nhau lên tuyến trên, trong khi tuyến cơ sở rất ít người coi trọng.
Bên cạnh đó là tình trạng thiếu kiểm soát tự chủ tài chính trong lĩnh vực y tế, gây rất nhiều sai phạm tiêu cực trong lĩnh vực khám chữa bệnh và cơ sở khám chữa bệnh, từ mua sắm vật tư, đến thuốc men, khám chữa bệnh.
Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 19 (Trung ương khóa XII) yêu cầu đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thì phải thực hiện kiểm toán, công khai báo cáo tài chính như đối với các doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo xem xét lại các điều khoản về cơ chế tài chính trong dự thảo luật. "Làm sao để đảm bảo công khai, minh bạch, cái gì được làm và làm thế nào, để các thầy thuốc được tập trung vào chuyên môn, không lo lắng đến chuyện quản lý”, ông Huệ gợi ý.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngoài quan điểm bảo vệ tốt người sử dụng dịch vụ y tế, tránh nguy cơ lạm dụng công nghệ cao trong khám chữa bệnh, lạm dụng kỹ thuật cao cần bảo vệ được người thầy thuốc trước nguy cơ vi phạm y đức, thương mại hóa trong chăm sóc y tế.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ thêm khái niệm giá dịch vụ, khung giá dịch vụ cho y tế công lập và y tế ngoài công lập, vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế, HĐND cấp tỉnh trong quyết định về giá dịch vụ…
“Cơ sở y tế công lập, nhà nước vẫn đầu tư ban đầu về cơ sở vật chất, nhân lực, còn y tế tư nhân phải tự đầu tư tất cả mọi thứ. Nếu áp khung giá dịch vụ cho cả 2 loại hình này thì có phù hợp không?”, ông đặt vấn đề.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vấn đề Chủ tịch Quốc hội nêu ra là rất đúng với thực trạng và vướng mắc của cơ sở khám chữa bệnh hiện nay.
Theo ông Long, trong luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đang được Chính phủ thực hiện sẽ đổi mới phương thức tính giá khám chữa bệnh, thanh toán Bảo hiểm Y tế theo ca bệnh, dạng bệnh.
Vấn đề này được nói rất rõ trong luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi. Hiện nay, Chính phủ đang đẩy rất nhanh luật này để đảm bảo đồng bộ với luật Khám chữa bệnh.
Bộ trưởng Y tế cũng thông tin thêm, với cơ sở y tế tư nhân, hiện không có kiểm soát về khung giá nhưng loại hình này vẫn chưa phát triển.
Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và sẽ làm rõ hơn vào dự thảo để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 3 tới đây.
Thu Hằng
Thủ tướng phê bình Bộ Y tế báo cáo quá chậm về lô vắc xin sắp hết hạn
Thủ tướng phê bình Bộ Y tế đến nay mới báo cáo việc mua vắc xin AstraZeneca, trong khi sự việc diễn ra từ tháng 12/2021 là quá chậm.
Vụ Việt Á: Vi phạm của ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đến mức phải xem xét kỷ luật
Từ ngày 28 đến ngày 31/3, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 13. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.