Tối 19/8, đêm thi Trang phục Văn hóa Dân tộc của cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2023 diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM. Top 44 thí sinh cùng Hoa hậu Đoàn Thiên Ân, Tiểu Vy, Mai Phương, Bảo Ngọc, Đỗ Hà, Thanh Thuỷ, Á hậu Chế Nguyễn Quỳnh Châu, Tuyết Như, Minh Thư, Phương Anh, Ngọc Thảo, Phương Nhi, Trịnh Thùy Linh, Ngọc Hằng, Đào Hiền, Minh Kiên trình diễn hơn 60 trang phục đến từ các nhà thiết kế.
Đêm thi chia thành 6 nhóm trình diễn do 6 nhà thiết kế có tên tuổi tư vấn và hỗ trợ. Đó là các NTK: Việt Hùng, Vũ Việt Hà, Văn Thành Công, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Tiến Truyển và Nguyễn Minh Công.
Các thiết kế được lấy ý tưởng từ làng nghề truyền thống hay dựa trên những sự tích, truyền thuyết trong văn học Việt Nam, tín ngưỡng, trò chơi dân gian…
Mở đầu chương trình, đương kim Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022 - Đoàn Thiên Ân trình diễn lại trang phục Trúc Chỉ - Best National Costume của Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022.
Đội Văn Thành Công bắt đầu đêm diễn với các thiết kế lấy cảm hứng từ những hình ảnh quen thuộc như cánh cò, hoa sen, quả dứa, linh vật rồng, cá chép, nghề làm hoa giấy, sự tích Trầu Cau, Tấm Cám… Những bộ trang phục được đầu tư công phu, cùng cách thể hiện của các thí sinh khi nghiêm túc, khi hài hước khiến khán giả thích thú, hưởng ứng mạnh. Các thiết kế được người đẹp Lê Nguyễn Bảo Ngọc, Ngọc Hằng, thí sinh Nguyễn Minh Hoàng Kim, Võ Pha Lê... trình diễn.
Đội Nguyễn Minh Tuấn chứng tỏ sự đầu tư chỉn chu từ chi tiết nhỏ qua từng bộ trang phục. Hình ảnh hoa cúc, hoa giấy ngũ sắc, quả hồng... được đưa vào thiết kế vừa độc đáo, vừa hiện đại. Các thí sinh cho thấy sự cố gắng, biến hoá sáng tạo.
Nguyễn Việt Hùng khai thác hình ảnh văn hoá như nghề thêu mai, cánh diều tuổi thơ, trò chơi dân gian bầu cua và đặc biệt là cánh rừng Trường Sơn... Dù khoác những bộ trang phục công phu, nhiều chi tiết nhỏ nhưng các thí sinh tự tin sải bước và ứng biến linh hoạt, thổi hồn cho mọi thiết kế.
Nguyễn Minh Công vốn được biết đến qua nhiều trang phục dự thi quốc tế của các người đẹp. Lần này, các thiết kế lấy ý tưởng từ tình mẫu tử thiêng liêng, muối Tây Ninh, hình ảnh trống đồng, tranh tứ bình... và được đầu tư về kiểu dáng, chi tiết.
Vũ Việt Hà cho thấy thế mạnh của mình khi xử lý và tư vấn những trang phục mang đậm nét văn hoá truyền thống như hình ảnh trống lân, nghề làm hương... Nhiều thiết kế gây ấn tượng bởi sự độc đáo về ý tưởng, mức độ tỉ mỉ khi xử lý từng chi tiết. Các người đẹp cũng thể hiện kỹ năng trình diễn qua sự ứng biến cùng trang phục như đánh trống, múa nón lá...
Các thiết kế đến từ đội Nguyễn Tiến Truyển lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, nghệ thuật gốm sứ, đặc biệt là thiết kế Kép Thị do Hoa hậu Tiểu Vy trình diễn đã vinh danh các nữ nghệ sĩ gạo cội của cải lương Việt Nam.
Sau đêm diễn, nhiều khán giả cho rằng bên cạnh một vài thiết kế tạo sức hút ngay từ đầu, vẫn có nhiều trang phục cồng kềnh, quá cỡ khiến thí sinh khó trình diễn, đồng thời dễ rơi phụ kiện và có phần “lố lăng”. Một số mẫu lấy cảm hứng từ hoa sen, câu chuyện cổ tích… chưa có sự khác biệt quá lớn so với mùa trước. Đơn cử như Yếm Long Phụng, Trưng Nữ Vương, Kim Lạc Phi Long, Hương sắc Nam Phương, Hạt ngọc trời ban… mang nét tương đồng với các mẫu đã có.
Thiết kế trang phục dân tộc giành chiến thắng sẽ được công bố vào đêm chung kết Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2023, sau đó đồng hành cùng tân hoa hậu tại phần thi National Costume cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023, diễn ra vào cuối tháng 10 ở Việt Nam.
Phước Sáng - Thanh Phi - Cát Tường