Hàng chục hộ dân ở xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) phản ánh việc mỏ đá Mai Thanh hoạt động làm nứt tường nhà dân cũng như đổ đất thải lấn chiếm đất nông nghiệp.
Nổ mìn làm nứt nhà dân
Công ty TNHH Vận tải và Thương mại Mai Thanh (công ty Mai Thanh) được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1984 ngày 19/08/2013, để khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại khu vực Lèn Cây Trổ, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa. Diện tích vùng mỏ được cấp phép là 3ha, trữ lượng được phép khai thác 1.142.303m2, công suất khai thác 50.000m2/năm trong thời gian 24 năm.
Những hộ dân ở thôn Đạm Thủy 1, Đạm Thủy 2 (xã Thạch Hóa) sống cạnh mỏ đá của Công ty Mai Thanh phản ánh, quá trình khai thác đá của doanh nghiệp này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Công ty Mai Thanh nổ mìn làm rung chấn mạnh, khiến tường nhà của các hộ dân bị nứt, gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đổ thải lên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi.
Ông Hoàng Xuân Viết (thôn Đạm Thủy 1) cho biết: “Chúng tôi ở gần mỏ đá Mai Thanh, nên mỗi khi họ nổ mìn làm rung chấn cả nhà cửa. Cứ ít ngày là họ nổ mìn lớn hơn bình thường. Tường nhà gia đình tôi và các gia đình xung quanh bị nứt toác. Chúng tôi sợ khi họ nổ mìn tiếp, từ vết nứt đó cộng thêm rung chấn mới có thể làm sập nhà cửa”.
Những hộ dân thôn Đạm Thủy 1 và 2 sinh sống cách mỏ đá Mai Thanh một quãng đồng ruộng chừng 300m. Khi mỏ đá nổ mìn khai thác từ trên cao, khói bụi bay theo gió phủ trùm cả một vùng nhà cửa và hoa màu của các hộ dân.
Bà Dương Thị Anh Đào (ở thôn Đạm Thủy 2) phản ánh, mỏ đá ngày nổ mìn, ngày không. Nếu như 2 hay 3 ngày họ không nổ thì lần tiếp theo nổ rất mạnh.
“Tường nhà của gia đình tôi bị rạn nứt. Gần đây là vụ nổ mìn vào lúc 11h44p ngày 4/4, và 12h trưa ngày 22/4 làm rung chuyển nhà cửa. Nhiều người dân đang ăn cơm trưa giật mình rơi cả bát cơm. Các cháu nhỏ thần kinh yếu, đêm ngủ thường bị giật mình”.
Ngoài việc nổ mìn làm rung chấn, nứt nhà cửa, người dân còn tố cáo Công ty Mai Thanh nổ mìn khai thác đá làm hư hỏng nhiều mồ mả, làm thiệt hại hoa màu, nhiều diện tích lúa ở cánh Đồng Hung không gieo lúa được.
Ông Hoàng Hữu Ái (thôn Đạm Thủy 2) phản ánh, “thửa ruộng số 106 ở Đồng Hung của chúng tôi năm nay không thể trồng lúa nên phải bỏ hoang. Theo vụ mùa tôi làm đất và ủ lúa giống xong, đến ngày ra gieo mạ thì đá to, nhỏ rơi đầy ruộng không thể gieo lúa được. Bên mỏ đá có tổ chức đi nhặt đá, sau có hỗ trợ tiền lúa giống cho gia đình. Nhưng về lâu dài, thửa ruộng này không gieo trồng gì được”.
Lấn chiếm hàng ngàn 2m2 đất nông nghiệp
Ông Nguyễn Văn An – Phó thôn Đạm Thủy 2 cho rằng mỏ đá của công ty Mai Thanh chỉ được cấp phép khai thác, còn tập kết và chế biến ở khu vực khác. Thế nhưng mỏ đá này ngày càng lấn đất nông nghiệp rồi mở rộng bãi chế biến đá ngay tại mỏ.
Ông An chia sẻ: Mỏ đá gây ô nhiễm đồng ruộng, không thể sản xuất được rồi họ tìm cách thương lượng mua đất nông nghiệp của dân để đổ thải làm bãi tập kết. Ngoài mua ruộng của dân thì công ty còn đổ thải lên đất nông nghiệp 5% do xã quản lý.
“Việc sử dụng hàng ngàn m2 đất nông nghiệp chưa qua chuyển đổi sang đất sản xuất vật liệu xây dựng là sai quy định.
Chúng tôi đề nghị tỉnh nên thu hồi mỏ đá và cấp cho công ty ở vị trí khác. Còn nếu cho hoạt động thì phải giám sát công ty đảm bảo đúng pháp luật, để không ảnh hưởng đến môi trường, không làm hư hỏng nhà cửa của, cũng như cuộc sống sản xuất của người dân xung quanh mỏ đá” – ông An nêu ý kiến.
Ông Trần Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa thừa nhận, xã đã nắm được phản ánh của người dân thôn Đạm Thủy 2 về việc mỏ đá Mai Thanh hoạt động nổ mìn gây rung chấn, rạn nứt nhà cửa. Phía xã đã xuống kiểm tra, cũng như lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng hoa màu do bụi đá không sản xuất được và đề xuất công ty hỗ trợ.
“Vừa qua công ty có tổ chức chi trả hỗ trợ hoa màu cho người dân bị ảnh hưởng, tuy nhiên có một số hộ chưa nhận.
Về việc người dân bị nứt nhà cửa, tường rào, xã cũng đã có đi kiểm tra. Hiện các danh sách các hộ bị ảnh hưởng bởi rung chấn đó thì bên địa chính đang lưu giữ và sẽ có thông báo sau”- ông Bằng cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thạch Hóa thì việc công ty Mai Thanh đổ đất thải lên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi là có. Còn đất nông nghiệp do xã quản lý trước đây do dân thầu sản xuất, giờ xã thu hồi để cho công ty làm hồ sơ chuyển sang đất sản xuất, kinh doanh khoáng sản.
Ông Bằng chia sẻ “Đất nông nghiệp mà công ty mua của các hộ dân thì do 2 bên thỏa thuận. Còn đất của xã quản lý là hơn 2ha, diện tích này mới được HĐND xã đưa vào chuyển đổi để Công ty Mai Thanh tập kết, sản xuất đá. Hồ sơ chuyển đổi chúng tôi giao cho phía công ty tự đi làm”.
Thanh Hà