Cuộc cách mạng lớn nhất ngành giáo dục
Thụy Điển đã tuyên bố về “sự thất bại của hệ thống” đối với các trường học miễn phí của đất nước này, cam kết thực hiện cuộc cải tổ lớn nhất trong 30 năm, theo The Guardian.
Friskolor là thuật ngữ Thụy Điển, hàm ý các trường tư thục được tài trợ bởi tiền công. Friskolor đã thu hút được sự hoan nghênh của quốc tế, ngay cả từ những nền giáo dục hàng đầu thế giới. Cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh Michael Gove đã sử dụng chúng làm hình mẫu cho hàng trăm trường học miễn phí dưới thời chính phủ của Thủ tướng David Cameron (2010-2016).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự sụt giảm tiêu chuẩn giáo dục của Thụy Điển, tình trạng bất bình đẳng gia tăng và sự bất mãn ngày càng tăng trong giáo viên và phụ huynh đã giúp thúc đẩy động lực chính trị cho sự thay đổi.
Tháng 6/2023, một báo cáo của Sveriges Lärare- hiệp hội giáo viên lớn nhất Thụy Điển đã cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của việc những hệ thống trường học bị thương mại hóa lớn nhất thế giới, bao gồm việc coi học sinh và sinh viên là khách hàng và việc thiếu nguồn lực dẫn đến sự bất mãn ngày càng gia tăng.
Công đoàn yêu cầu loại bỏ dần các trường học hoạt động vì lợi nhuận và bị thị trường hóa. “Công ty cổ phần không phải là hình thức hoạt động bền vững lâu dài để điều hành các hoạt động của trường học”, báo cáo cho biết.
Giờ đây, Bộ trưởng Bộ Trường học Lotta Edholm, một đảng viên Đảng Tự, đã mở một cuộc điều tra về những vấn đề nằm trong kế hoạch giám sát của bà. "Việc cải cách sẽ không có hiệu quả nếu kết quả mang lại là một nền giáo dục kém chất lượng".
Edholm cho biết bà đã lên kế hoạch hạn chế nghiêm ngặt việc thị trường hóa giáo dục tại các trường học và sẽ xử lý nghiêm minh những trường được ngân sách nhà nước tài trợ nhưng lại sử dụng nguồn ngân sách này cho mục đích khác ngoài giáo dục.
“Không có chuyện nhà nước bơm nhiều tiền để các trường cải thiện hoạt động kinh doanh của mình, hay một phần số tiền đó sẽ được chuyển cho trường dưới dạng lợi nhuận. Chúng tôi sẽ chấm dứt việc này”, bà bộ trưởng nói.
Có hàng nghìn friskolor (trường tư thục nhưng được nhà nước cấp ngân sách) trên khắp Thụy Điển, với tỷ lệ cao hơn ở các thành phố. Khoảng 15% tổng số học sinh tiểu học (từ 6-16 tuổi) và 30% tổng số học sinh trung học phổ thông (16-19 tuổi) ở Thụy Điển theo học tại các trường học miễn phí này.
“Vấn đề không chỉ là ở một số trường học mà nó còn trở thành sự thất bại của mọi hệ thống”. Bộ trưởng Edholm cũng cáo buộc một số trường học miễn phí có hiện tượng lạm phát điểm số, trong đó giáo viên cho điểm học sinh quá cao – tạo ra sự mất cân bằng trên toàn hệ thống.
Được biết, lạm phát điểm số là một vấn đề đặc biệt ở các trường học miễn phí với tỷ lệ giáo viên có trình độ thấp và trường học hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.
Hạn chế sử dụng iPad ở trường mầm non
Trước khi gia nhập chính phủ của Thủ tướng Ulf Kristersson, bà Edholm là thành viên hội đồng quản trị của công ty giáo dục Tellusgruppen. Khi bà được bổ nhiệm làm bộ trưởng trường học, giá trị cổ phiếu của tập đoàn tăng lên, nhưng Edholm đã bán cổ phần của mình và rời khỏi hội đồng quản trị.
Bất chấp những vấn đề của trường học, bộ trưởng Edholm khẳng định friskolor vẫn có một vị trí quan trọng trong giáo dục Thụy Điển. “Điều làm cho hệ thống trường học Thụy Điển trở nên đặc biệt là bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể chọn trường học mà không phải trả bất kỳ chi phí nào".
Ngoài cải cách trường học miễn phí, các trường học ở Thụy Điển phải đối mặt với những thách thức đáng kể về tội phạm và an ninh khi đất nước này phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tội phạm súng đạn và ngày càng nhiều trẻ nhỏ là nạn nhân.
Bà Edholm cho biết việc tiếp cận giáo dục tại các trường học, vốn có truyền thống rất cởi mở, cần phải được thắt chặt hơn.
Bà cũng muốn giảm thời gian sử dụng thiết bị trong trường học và tăng số lượng sách giấy trong lớp học bằng cách đưa ra các khoản trợ cấp khuyến khích của tiểu bang cho một cuốn sách cho mỗi môn học cho mỗi học sinh.
Dựa trên nghiên cứu khoa học, bà cho biết việc bất kỳ trường mầm non nào cũng sử dụng iPad là “cực kỳ đáng nghi ngại. Đó là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.”
Tử Huy
Mặc dù là có nền giáo dục tiến bộ, Thụy Điển vẫn không ngừng cải tiến để tiếp tục hướng tới sự ưu việt.