Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và đồng phạm, dự kiến diễn ra trong 3 ngày, do thẩm phán Nguyễn Hải Thanh ngồi ghế chủ tọa.
Trước đó, ngày 31/12/2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung mức án 3 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Về dân sự, HĐXX cấp sơ thẩm đưa ra phán quyết cho tiếp tục thực hiện gói thầu số hóa, các bên tự giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Đức Chung gửi đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngoài ông Chung, các bị cáo Nguyễn Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT Hà Nội) và Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội) cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, hai bị cáo này lần lượt nhận mức án 4 năm 6 tháng tù và 3 năm 6 tháng tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản án sơ thẩm, gói thầu của Sở KH&ĐT Hà Nội có nhiều vi phạm, các bị cáo đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Việc đấu thầu trái quy định của pháp luật, đúng ra là phải tổ chức đấu thầu lại nhưng các bị cáo vẫn thực hiện đấu thầu.
Hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến việc phát triển kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.
Trong vụ án này, ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy là người giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo các bị cáo Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) và Võ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) gian lận thầu, chuyển nhượng thầu trái phép.
Do Bùi Quang Huy bỏ trốn nên khi nào bắt được ông chủ Nhật Cường sẽ xử lý sau.
Hồi tháng 6, TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng đưa ông Nguyễn Đức Chung ra xét xử phúc thẩm vì liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy-3C.
Trước khi diễn ra phiên tòa trên, cựu Chủ tịch Hà Nội gửi đi bản giải trình viết tay dài hơn 100 trang nêu quan điểm cho rằng, bản án sơ thẩm vụ mua chế phẩm Redoxy-3C đã kết tội sai bị cáo, đề nghị hủy án.
Suốt phiên tòa phúc thẩm, ông Chung luôn kêu oan, bị đại diện VKS đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bị cáo y án sơ thẩm.
Tuy nhiên, ở cuối phần tranh luận, trước khi bước sang phần nghị án, ông Nguyễn Đức Chung thay đổi thái độ, đã nhận trách nhiệm về phía mình. Cùng với đó, chị gái ông Chung thay em bồi thường thiệt hại 10 tỷ đồng; vợ bị cáo nộp khắc phục hậu quả 15 tỷ đồng.
Bởi vậy, ngay sau đó, đại diện VKS thay đổi nội dung đề nghị, đã đề nghị tòa án xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm cho bị cáo Chung.
Xét kháng cáo của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung và đề nghị của đại diện VKS, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giảm cho ông Chung từ 8 năm tù xuống còn 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, HĐXX cấp phúc thẩm cũng quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản đối với cựu Chủ tịch Hà Nội.
Nhiều người cho rằng, quyết định khôn ngoan vào phút chót đã giúp ông Nguyễn Đức Chung được giảm 3 năm tù, được hủy kê biên 3 bất động sản.
T.Nhung