Tháng 3/2023, Bộ TT&TT có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam và các nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động quảng cáo nhằm công bố Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (gọi tắt là White List).
Bộ TT&TT khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét lựa chọn quảng cáo trong danh sách White List nhằm đảm bảo an toàn thương hiệu, góp phần phát triển hệ sinh thái quảng cáo và nội dung số Việt Nam an toàn, lành mạnh.
Theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), trong thời gian tới, danh sách White List sẽ tiếp tục được mở rộng, bổ sung thêm với đối tượng là các trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng thuộc các mạng xã hội trong và ngoài nước.
Đây phải là các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số trên mạng đã đăng ký với Bộ TT&TT, thông qua đầu mối là Cục PTTH&TTĐT.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký tham gia vào White List cần cung cấp thông tin về các trang thông tin điện tử, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng thuộc sở hữu của mình.
Các thông tin này bao gồm họ tên, số điện thoại nhân sự quản lý nội dung thông tin trên tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung, nhóm cộng đồng.
Các thông tin cụ thể về tên, đường dẫn tới tài khoản, trang, kênh, nhóm, tên mạng xã hội, số lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký, định hướng lĩnh vực, nội dung cung cấp, trao đổi trên trang, kênh, nhóm (giải trí, thể thao, giáo dục…)
Tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia White List phải cam kết tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, thuế.
Bên cạnh đó, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin do mình cung cấp, quản lý. Đồng thời, những cá nhân, tổ chức này cần phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để quản lý, sàng lọc thông tin, bình luận được người sử dụng mạng xã hội đăng tải trên tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng của mình.
Cục PTTH&TTĐT cho biết, các tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội đã được thông báo và xác thực sẽ được đưa vào danh sách White List. Danh sách này sẽ được Cục PTTH&TTĐT khuyến nghị, cập nhật tới các nhãn hàng, thương hiệu, đại lý quảng cáo để lựa chọn quảng cáo.
Một trong những quyền lợi của những đơn vị, cá nhân hoạt động cung cấp, sáng tạo, khai thác nội dung số khi tham gia vào White List là được kết nối, tham gia các chương trình hội thảo phổ biến chính sách, quy định pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước. Họ cũng sẽ được hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng số và ghi nhận các kiến nghị, khó khăn cần tháo gỡ.
Theo Cục PTTH&TTĐT, đơn vị này sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật White List. Trong trường hợp phát hiện các trang, tài khoản, kênh, nhóm có nội dung vi phạm, không đảm bảo an toàn cho quảng cáo, Cục sẽ loại bỏ khỏi White List.
Trong lần đầu công bố, danh sách White List bao gồm 301 báo điện tử, tạp chí điện tử, 1.373 trang thông tin điện tử tổng hợp và 953 mạng xã hội đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam.
Cùng với Black List - danh sách các website, trang nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật, việc cho ra đời White List là một trong những giải pháp mới của Bộ TT&TT nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên Internet tại Việt Nam.