Trong năm 2019, VNNIC đã mở rộng đối tượng, loại hình kết nối của VNIX theo xu thế và chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ kết nối cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet) |
Trao đổi với ICTnews về vai trò của Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) cũng như định hướng phát triển VNIX trong giai đoạn mới, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam – VNNIC, đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT nhấn mạnh, trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, VNIX đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển Internet Việt Nam, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí và đặc biệt là đảm bảo tối ưu về chất lượng dịch vụ, an toàn hạ tầng Internet quốc gia.
Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet trong gian đoại mới, đặc biệt là các xu hướng công nghệ Internet of Things (IoT), Bigdata, 5G, điện toán đám mây (cloud computing)… dẫn tới nhu cầu sử dụng Internet ngày càng tăng cao, đồng nghĩa với những thách thức về quy hoạch mạng lưới, hạ tầng kết nối, chất lượng cũng ngày càng cao. Vì thế, để giải quyết một số vấn đề kết nối Internet tại Việt Nam, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của VNIX trong phát triển hạ tầng kết nối Internet tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo đổi mới, phát triển hệ thống VNIX theo xu thế, chuẩn mực quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TT&TT, trong năm 2019, VNNIC đã mở rộng đối tượng, loại hình kết nối của VNIX theo xu thế và chuẩn mực quốc tế, hỗ trợ kết nối cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và thúc đẩy phát triển Internet tại Việt Nam.
Cụ thể, trước đây VNIX quy định chỉ các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet – PV) có giấy phép hạ tầng được kết nối, nay VNIX mở rộng không giới hạn, cho phép tất cả các mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (ISP, CP, IDC, Cloud, mạng của chính phủ, cơ quan nhà nước,…) có số hiệu mạng (ASN) độc lập và IP do VNNIC cấp phát quản lý được đấu nối VNIX. Cùng với đó, loại hình kết nối cũng đã được mở rộng, bao gồm cả kết nối đa phương và kết nối song phương ngay tại VNIX (thông tin chi tiết xem tại https://vnix.vn), thay vì chỉ kết nối đa phương như giai đoạn trước.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ phát triển và quản lý hệ thống VNIX, đại diện VNNIC cũng cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 27001:2013, ISO 9001:2015, IITLv3... trong quản lý vận hành.
Đáng chú ý, VNNIC sẽ nghiên cứu, triển khai nâng cấp hệ thống VNIX và phát triển các dịch vụ miễn phí, công cụ hỗ trợ cho các thành viên kết nối như nâng cấp hệ thống phân tích thông tin định tuyến Internet (Looking Glass), triển khai mới các hệ thống ký số tài nguyên Internet RPKI (Resource PKI), dịch vụ đo lường chất lượng kết nối Internet tại Việt Nam (Speed Test), dịch vụ đồng bộ thời gian thực (NTP), triển khai hệ thống DNS Root…
Việc ứng dụng các công nghệ mới triển khai trên VNIX, theo đại diện VNNIC, nhằm tiếp tục đảm bảo các mục tiêu bền vững: tăng chất lượng dịch vụ mạng (giảm độ trễ, tăng hiệu quả định tuyến, băng thông kết nối mạng); tăng tốc độ truy cập dịch vụ Internet tại Việt Nam (tăng tốc độ truy cập tên miền, dịch vụ tên miền và dịch vụ công); tiết kiệm chi phí (giảm chi phí kênh truyền, thiết bị kết nối định tuyến, quản lý vận hành); đảm bảo an toàn, ổn định cho các hệ thống mạng tại Việt Nam.
“Với việc phát triển, mở rộng mô hình VNIX theo chuẩn mực quốc tế, chắc chắn rằng VNIX sẽ tiếp tục đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi lưu lượng Internet, phát triển nội dung trong nước, làm nền tảng vững chắc đảm bảo Internet Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, sẵn sàng đón đầu các ứng dụng CNTT thế hệ mới, phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh và quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam”, đại diện VNNIC nhấn mạnh.
Được Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) thành lập từ năm 2003, Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia - VNIX do Trung tâm Internet Việt Nam trực tiếp quản lý và vận hành, hoạt động theo nguyên tắc trung lập, phi lợi nhuận.
Việc xây dựng thành công và phát triển hệ thống VNIX đã góp phần giải quyết một số vấn đề kết nối, đảm bảo cho Internet Việt Nam phát triển ổn định; kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại nhiều điểm, dự phòng ứng cứu khi các doanh nghiệp có sự cố, tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối, giá thành dịch vụ.
Trong suốt 16 năm qua, VNIX luôn được duy trì hoạt động ổn định, số lượng thành viên và băng thông kết nối tăng trưởng đều qua các năm. Tính đến ngày 31/10/2019, tổng băng thông VNIX đạt 290Gbps với 21 thành viên kết nối và định tuyến qua VNIX.
Bên cạnh những đóng góp về thúc đẩy kết nối, VNIX còn là nhân tố quan trọng trong việc phát triển dịch vụ, triển khai các công nghệ mới trong phát triển Internet tại Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Kể từ năm 2010, VNIX là mạng đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ song song IPv4 và IPv6. Trên hạ tầng kết nối VNIX, hệ thống mạng IPv6 đã được VNNIC xây dựng để hỗ trợ các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp kết nối thử nghiệm, dần chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng lưới của mình. Ngày 6/5/2013, mạng IPv6 quốc gia được khai trương trên nền tảng cốt lõi là VNIX, hệ thống DNS quốc gia và mạng của các ISP là dấu mốc quan trọng trong lộ trình thúc đẩy chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam.