Trong Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7, Chính phủ đã có quyết nghị các nội dung cụ thể về 5 dự án luật, trong đó có Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo đó, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu xây dựng và các nội dung cơ bản của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Việc sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập của Luật Giao dịch điện tử hiện hành, hoàn thiện khung pháp lý để phát triển giao dịch điện tử toàn diện; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; áp dụng đồng bộ cơ chế, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy việc sử dụng và phát triển giao dịch điện tử.

{keywords}
Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm hoàn thiện khung pháp lý để phát triển giao dịch điện tử toàn diện. (Ảnh minh họa: tạp chí Tài chính)

Chính phủ giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, tổ chức liên quan rà soát, hoàn thiện quy định cụ thể của dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh đến tất cả các loại giao dịch điện tử của các chủ thể là nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. Bảo đảm giá trị pháp lý của giao dịch điện tử; bảo đảm giao dịch điện tử an toàn, tin cậy, chính xác, thuận tiện, phòng ngừa việc lợi dụng, lừa đảo; phát triển các dịch vụ tin cậy và hỗ trợ giao dịch điện tử, hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử.

Cùng với đó, đẩy mạnh giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Tăng cường giao dịch điện tử trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy giao dịch trực tuyến các hoạt động giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại của tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng.

Đồng thời, tạo điều kiện việc khai thác, quản lý, sử dụng dữ liệu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương trong hoạt động giao dịch điện tử, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật.

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ TT&TT thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được Chính phủ giao chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Theo Bộ TT&TT, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 cùng các luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động dân sự, kinh tế xã hội cũng như hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh, sự bùng nổ của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đã bộc lộ một số hạn chế.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005 có kết cấu 8 chương và 54 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có 8 chương và 60 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 152 ngày 3/12/2021.

Đến nay, các nội dung trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được Bộ TT&TT tiếp thu góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và thẩm tra của Văn phòng Chính phủ.

Vân Anh

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế số

Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ tác động tích cực vào sự phát triển kinh tế số

Dự thảo Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) đang được Bộ TT&TT hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Theo các chuyên gia, Luật này sau khi được thông qua sẽ có những tác động tích cực đối với sự phát triển của kinh tế số.