Thái Nguyên là một trong những địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Đến nay, Thái Nguyên đã có 173 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên và được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Nhờ có công nghệ số, các sản phẩm nông sản được đưa đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, từ đó doanh số bán hàng của các đơn vị tăng từ 20-50%, trong đó doanh thu bán hàng qua mạng và sàn giao dịch điện tử chiếm 30%; đặc biệt có sản phẩm nông sản tăng doanh số từ 70-100%.
Tính đến nay, đã có hơn 2.400 sản phẩm được cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Thái Nguyên tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; 72 sản phẩm nông sản nông nghiệp đã được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử (Postmart, Vỏ sò)...
Không chỉ vậy, phong trào livestream bán hàng nông sản đạt hiệu quả và ngày càng được nhân rộng, đặc biệt trong “Lễ hội Võ Nhai mùa na chín-Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2023".
Theo thống kê, sau 4 giờ livestream, các chủ thể na đã bán 1.650 đơn, trong đó bán trực tuyến 6,3 tấn na và bán trực tiếp 2,5 tấn cho khách tham quan.
Ngoài ra, các sản phẩm khác như: trà, miến, bánh chưng, măng, kẹo lạc... cũng tiêu thụ mạnh nhờ cách bán hàng trực tuyến này.
Tại Yên Bái, thời gian qua, Bưu điện tỉnh đã đưa được gần 200 sản phẩm đặc sản, nông sản của Yên Bái lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, trong đó có 15-20 sản phẩm chè.
Ngoài ra, Bưu điện sẽ hỗ trợ các kênh truyền thông, marketing để sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn Yên Bái có thể vươn xa trên phạm vi rộng hơn.
Nhờ có sàn thương mại điện tử mà thêm nhiều du khách trong nước biết đến chè Shan tuyết của Văn Chấn, Yên Bái. Trong thời gian tới, người dân ở đây mong muốn thông qua sàn thương mại điện tử Postmart, đặc sản chè này có thể đi ra thế giới.
Tại Hưng Yên, từ năm 2020, sau khi đưa các sản phẩm lên giới thiệu, bán trên một số sàn thương mại điện tử như: Voso, Shopee, Postmart, sản phẩm của Hợp tác xã Tiên Châu Phố Hiến, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) được nhiều người biết đến hơn, tiếp cận với nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh, đồng thời mở thêm các đại lý, tạo thêm kênh phân phối…
Nhờ đó, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, Hợp tác xã có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, đến năm nay, thương mại điện tử đã trở thành kênh tiêu thụ chính của Hợp tác xã với khoảng 70% sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh này. Năm nay, Hợp tác xã thu hoạch 50 tấn nhãn, sản xuất 30 tấn long nhãn, 4 tấn long nhãn ôm sen, 20 tấn mật ong...
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai hàng loạt các Chương trình kết nối thương mại điện tử kết hợp đào tạo, tập huấn thương mại điện tử tại một số tỉnh, thành phố; đẩy mạnh kết nối theo vùng, thúc đẩy liên kết vùng để tiêu thụ nông sản, thực phẩm, đặc sản địa phương qua phương thức thương mại điện tử.
Sắp tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác/sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba, JD, Sea Group... để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.